Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 8/7: Quân đội Syria phục kích nhóm tay súng gần căn cứ đặc nhiệm Mỹ; Lính Nga tiếp quản mỏ dầu tại Syria;...
Quân đội Syria phục kích nhóm tay súng gần căn cứ đặc nhiệm Mỹ
Các tay súng bị bắt sống cùng số vũ khí trong vụ phục kích hôm 7/7. Ảnh: SANA |
Theo hãng tin Syria SANA, vào chiều ngày 7/7 (giờ Việt Nam) tại khu vực hoang mạc lân cận căn cứ al-Tanf nằm ở biên giới Syria - Jordan - Iraq đã nổ ra một cuộc đụng độ giữa Quân đội Arab Syria (SAA) và một nhóm phiến quân được cho là đến từ căn cứ al-Tanf.
Theo phóng viên của SANA, căn cứ vào tin tình báo và theo dõi hoạt động của nhóm tay súng nói trên, quân chính phủ đã lên kế hoạch cho một cuộc phục kích tại Jabal al-Amor ở tây bắc al-Sukhna đã tiêu diệt 3 tay súng và bắt sống 3 tay súng khác và tịch thu vũ khí đạn dược.
Các phóng viên cũng cho biết thêm rằng nhóm vũ trang này đã xâm nhập khu vực từ căn cứ của Mỹ ở khu vực al-Tanf ở vùng nông thôn phía đông nam của Homs, hướng về khu vực al-Tuwhai và Jabal al-Bushra nằm sâu trong sa mạc al-Badiya của Syria.
Hiện vẫn chưa rõ phản ứng của phía Mỹ liên quan tới vụ việc. Tuy nhiên các cuộc đụng độ giữa SAA và phiến quân Syria tại al-Tanf thường kết thúc bằng các cuộc không kích "thị uy" của Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Kể từ năm 2016, căn cứ al-Tanf đã là nơi đóng quân của đặc nhiệm Mỹ với mục đích huấn luyện và trang bị cho các nhóm phiến quân Quân đội Syria Tự do (FSA) trong khu vực.
Tuy nhiên mục đích của căn cứ này nhiều khả năng là ngăn chặn tuyến đường giao thông của Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) men theo biên giới Syria - Iraq để đưa các loại vũ khí hiện đại tới tay lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Lính Nga tiếp quản mỏ dầu tại Syria
Xe tuần tra của cảnh sát quân sự Nga tại tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: RIA Novosti |
20 binh sĩ Nga cùng 15 phương tiện quân sự đã thay thế quân đội chính phủ Syria bảo vệ mỏ dầu al-Ward ở ngoại ô thành phố al-Bukamal, phía đông tỉnh Deir Ez-Zor, gần biên giới với Iraq. Lực lượng đồn trú Nga dựng rào chắn và thiết lập khu vực phòng thủ với súng đại liên xung quanh mỏ dầu.
Binh sĩ Nga cũng giao nhiệm vụ bảo vệ mỏ dầu cho dân quân thuộc Lữ đoàn Jerusalem Palestine, gồm các thành viên từ thành phố Aleppo và Deir Ez-Zor của Syria.
Hiện chưa rõ lực lượng tiếp quản mỏ dầu thuộc đơn vị nào của quân đội Nga. Moskva và Damascus chưa bình luận về thông tin này.
Các cơ sở khai thác và xử lý dầu khí tại miền đông Syria là vấn đề gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ. Quân đội Mỹ kiểm soát một số mỏ dầu tại đây và đe dọa tấn công mọi lực lượng tìm cách tiếp cận chúng, kể cả quân đội Nga và Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói nguồn thu từ dầu mỏ sẽ được cấp cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) để họ duy trì sức mạnh và quản lý các trại giam tù binh IS.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga và chính phủ Syria cáo buộc Mỹ "chiếm giữ và kiểm soát các mỏ dầu của Syria bằng vũ lực", gọi đây là "hành vi ăn cướp cấp nhà nước". Nga nói binh sĩ cùng lính đánh thuê Mỹ bảo vệ cho hoạt động khai thác và buôn lậu dầu mỏ của Syria, nguồn thu được trả cho các công ty an ninh tư nhân và tình báo Mỹ.
Nga phản đối gia hạn viện trợ nhân đạo qua biên giới ở Syria
Một điểm phát cứu trợ nhân đạo của Nga cho người dân Syria hồi năm 2019. Ảnh: Sputnik |
Ngày 7/7, các nhà ngoại giao cho biết Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), vốn được Đức và Bỉ đề xuất, về việc gia hạn hoạt động viện trợ nhân đạo qua biên giới ở Syria.
Trước đó, dự thảo nghị quyết của Đức-Bỉ có nội dung gia hạn 1 năm việc cho phép hàng viện trợ vào Syria qua 2 trạm kiểm soát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, mà không lo ngại sự can thiệp từ Damascus. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, Nga đã yêu cầu chỉ gia hạn hoạt động này 6 tháng và sử dụng một trong hai cửa khẩu biên giới.
Hoa Vũ (T/h)