Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 5/2: Syria khai hỏa đáp trả tên lửa của Israel; Syria đặt một loạt điều kiện đàm phán với ông Biden;...
Syria khai hỏa đáp trả tên lửa của Israel
Video: Phòng không Syria đáp trả tên lửa Israel. Nguồn: SANA
Hãng thông tấn nhà nước Arab Syria SANA đưa tin các cuộc tấn công bằng tên lửa đã được tiến hành vào đêm ngày 3/2 tại tỉnh al-Quneitra, phía nam thủ đô Damascus và bên ngoài Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Đoạn video ghi lại cuộc tấn công tên lửa lan truyền rộng trãi trên mạng xã hội cho thấy các tên lửa đã nổ tung trên bầu trời Syria. Trong khi đó, tiếng nổ lớn cũng được nghe thấy gần sân bay quốc tế Damascus.
Hệ thống phòng không của Syria cũng đã được kích hoạt gần thủ đô Damascus, theo trang i24news và Times of Israel. Hiện chưa ghi nhận có thương vong ở cả hai thành phố, tuy nhiên các cuộc tấn công đã gây ra “thiệt hại vật chất”, hãng thông tấn Syria SANA trích dẫn nguồn tin quân sự cho hay.
Cùng ngày trước đó, quân đội Israel cho biết một tên lửa phòng không đã tấn công một trong những chiếc máy bay không người lái của họ khi bay qua không phận Liban. Tuy nhiên, tên lửa này đã bắn trượt mục tiêu. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket của Israel nhắm mục tiêu vào Syria thường được khai hỏa từ Liban.
Tel Aviv đã tiến hành các cuộc không kích theo định kỳ vào lãnh thổ Syria trong suốt cuộc chiến kéo dài nhiều năm của nước này nhằm chống lại các tay súng Hồi giáo. Israel thường tuyên bố nhằm vào các mục tiêu triển khai quân sự Iran được gửi tới để hỗ trợ Damascus. Quân đội Israel hiếm khi xác nhận các hoạt động này. Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu trước đó đã thừa nhận "hàng trăm" cuộc tấn công nhằm vào Syria.
Syria đặt một loạt điều kiện đàm phán với ông Biden
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters |
Trao đổi với báo Newsweek, phái bộ thường trực của Syria tại Liên Hợp Quốc cho biết, Damascus sẵn sàng làm việc với chính quyền Tổng thống Joe Biden nếu như ông đảo ngược chính sách của những người tiền nhiệm.
Các điều kiện bao gồm ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria, rút binh lính mà Mỹ đã triển khai không có sự cho phép của Damascus, và ngừng khai thác dầu khí. Ngoài ra, Washington cũng phải chấm dứt hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria, vốn gồm phần lớn người Kurd đang đòi tự trị ở miền đông bắc đất nước, và dừng viện trợ cho các nhóm phi nhà nước khác tham gia nội chiến ở Syria.
"Nguyên nhân của những bất đồng hiện nay với Mỹ là chính sách của các chính quyền Mỹ trước đó, bao gồm: can thiệp vào công việc nội bộ của Syria, chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở Cộng hoà Ảrập Syria, đánh cắp tài nguyên thiên nhiên của Syria, hỗ trợ các lực lượng ly khai và vũ trang cho các thực thể khủng bố ở Syria", phái bộ thường trực của Syria nêu cụ thể.
Họ nhấn mạnh, nếu những điều kiện trên được đáp ứng, Damascus sẽ cân nhắc tái lập quan hệ với Washington. Mỹ đã cắt đứt các mối quan hệ với Syria vào năm 2012 khi làn sóng nổi dậy Mùa xuân Ảrập bùng nổ thành cuộc xung đột toàn diện giữa các lực lượng an ninh, quân nổi dậy và các nhóm thánh chiến.
"Trong trường hợp chính quyền Mỹ sẵn sàng từ bỏ các chính sách này, Syria không phản đối sự liên lạc có ý nghĩa và mục đích khác xa những điều kiện mà chính quyền trước đã cố áp đặt lên Syria và khu vực", phái bộ này nói.
Chính quyền ông Biden đến nay vẫn chưa phát đi bất kỳ tín hiệu tương tự nào tới chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Gần 120 trường học Syria chịu thiệt hại do lũ lụt
Gần 120 trường học Syria chịu thiệt hại do lũ lụt. Ảnh minh họa |
Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy gần 120 trường học nằm ở phía Tây Bắc, Syria, bị hư hại hoặc bị phá hủy trong tuần qua do lũ lụt.
UNICEF lưu ý những con số hiện tại là ước tính ban đầu vì nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ bão lũ vẫn chưa thể tiếp cận bất chấp nỗ lực của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Nhiệm vụ đặt ra trước mắt là khôi phục các trường học chịu thiệt hại do thiên tai nhưng cần ít nhất một triệu USD để ứng phó.
Phía Tây Bắc hiện có hơn 2 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ước tính một nửa trong số này sẽ phải chuyển địa điểm học tập hoặc phương pháp tiếp cận giáo dục. Điều này sẽ làm gia tăng thêm vấn đề cho giáo dục khu vực trong thời điểm hiện nay. UNICEF khuyến cáo cần hỗ trợ khẩn cấp để đưa trẻ em quay lại học tập.
Đã phải chịu đựng các cuộc chiến tranh, tiếp đến là tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và hiện tại là bão lũ. Hàng trăm nghìn trẻ em có nguy cơ phải bỏ học vì trước khi thiên tai xuất hiện, hầu hết các cơ sở học tập tại quốc gia này không thể bảo đảm an toàn, giãn cách xã hội. Hàng nghìn giáo viên phải tiếp tục làm việc dù không được trả lương trong hơn một năm.
Các tổ chức giáo dục, nhà hảo tâm đang nỗ lực ứng phó với thiệt hại nặng nề tại Tây Bắc. Tuy nhiên, họ cho biết cần được hỗ trợ thêm như hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em, khôi phục môi trường học tập, lắp đặt hệ thống máy sưởi, nhiên liệu cho máy sưởi, đồ dùng học tập, sách giáo khoa để học sinh có thể sớm quay lại trường.
Hoa Vũ (T/h)