Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 5/12: Nga-Syria thực hiện dồn dập 30 đợt oanh kích vào khủng bố IS; Israel trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa cho xe ủi dã chiến;...
Nga-Syria thực hiện dồn dập 30 đợt oanh kích vào khủng bố IS
Nga-Syria thực hiện 30 cuộc oanh kích vào các vị trí của khủng bố IS trong 72 giờ qua. Ảnh minh họa |
Theo Al Masdar News ngày 3/12, Không quân Nga và Syria đã thực hiện hơn 30 đợt oanh kích nhằm vào căn cứ của nhóm khủng bố IS tại các tỉnh Hama, Homs và Raqqa trong 72 giờ qua.
Phần lớn các cuộc không kích của Nga và Syria tập trung vào quận Al-Sa'an của Hama. Cuộc tấn công quy mô lớn cũng trùng với cuộc tấn công gần đây của Nhà nước Hồi giáo nhằm vào lực lượng của Quân đội Ả Rập Syria (SAA) và Liwaa Al-Quds (bán quân sự của người Palestine) ở vùng nông thôn của tỉnh Hama.
Các cuộc không kích diễn ra sau khi phiến quân IS mở cuộc tấn công nhằm vào Quân đội Syria và lực lượng Liwaa Al-Quds ở vùng nông thôn của tỉnh Hama.
Được biết, trước đây, IS đã tàn phá khắp các vùng quê phía Đông Homs và phía Tây Deir Ezzor; tuy nhiên, kể từ sau vụ đánh bom quy mô lớn của Nga và Syria vào mùa Hè vừa qua, nhóm khủng bố đã chuyển hoạt động sang miền Trung Syria.
Israel trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa cho xe ủi dã chiến
Xe ủi Caterpillar D9 của Quân đội Israel. Ảnh: RG |
Những chiếc máy ủi Caterpillar D9 với bánh xích đặc chủng này được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật khác nhau bao gồm: dọn đường cho xe tăng Merkava, phá hủy các công sự của đối phương và cả rà phá bom mìn.
Để bảo vệ trước vũ khí nhỏ và rocket cũng như tên lửa chống tăng, phương tiện tác chiến này được trang bị thêm vỏ giáp, các tấm giáp lồng chống đạn xuyên lõm cũng được lắp đặt. Do đó trọng lượng của những chiếc "máy kéo chiến đấu" hiện vượt quá 71.000 kg, cao hơn nhiều loại xe tăng chiến đấu chủ lực.
Để chống lại tên lửa dẫn đường, chúng được trang bị hệ thống chế áp quang điện tử MAJIC-1 với cảm biến bức xạ laser E-LAWS. Kết quả là, máy ủi D9 nhận được sự bảo vệ hiệu quả chống lại các ATGM thế hệ thứ hai. Ngoài ra lúc này kíp điều khiển sẽ kịp thời biết được rằng họ đã đi vào tầm ngắm của đối phương.
Hiện nay, xe ủi đất bọc thép được sử dụng trong nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới, bao gồm cả Quân đội Nga. Theo các chuyên gia quân sự, có thể thiết bị bảo hộ sẽ tìm thấy chỗ đứng tại Nga, khi nước này có kinh nghiệm sử dụng thành công các hệ thống chống tên lửa trên xe bọc thép, chẳng hạn như trên xe tăng T-90 đã được thể hiện ở chiến trường Syria.
Tuy vậy kế hoạch trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa cho xe ủi hay xe công binh cũng bị đánh giá là quá tốn kém, khi tổ hợp có giá thành thậm chí còn lớn hơn cả phương tiện, chỉ thích hợp với những quân đội có nhân lực ít ỏi như Israel mà thôi.
Thông điệp từ cuộc gặp bí mật Israel-Saudi Arabia
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: CAND |
Cuộc gặp lịch sử giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Thái tử Saudi Arabia tại thành phố Neom của Saudi Arabia, vốn được Tel Aviv xác nhận nhưng Riyadh lại công khai phủ nhận, đã truyền tải một thông điệp rõ ràng đến Tổng thống đắc cử Mỹ rằng: các đồng minh chính của Washington trong khu vực đang nỗ lực bắt tay kiềm chế kẻ thù chung là Iran.
Đây là chuyến thăm đầu tiên được xác nhận công khai tới Saudi Arabia của một nhà lãnh đạo Israel và là cuộc gặp không thể tưởng tượng được cho đến gần đây, khi hai nước không có quan hệ ngoại giao chính thức. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh mức độ sâu sắc của mối quan tâm của hai nước về Iran, và cho thấy mối lo về vị thế của Tehran ở Trung Đông như thế nào.
"Đó là Iran, Iran, Iran", Bộ trưởng Nội các Israel, Tzachi Hanegbi nói với Đài phát thanh quân đội khi được hỏi về chuyến thăm và nhấn mạnh: "Việc tạo ra một trục cô lập Iran là rất quan trọng".
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, người nắm quyền trên thực tế của vương quốc và Thủ tướng Netanyahu đều nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và ủng hộ chiến dịch "gây áp lực tối đa" chống lại Iran. Họ lo ngại ông Biden sẽ áp dụng các chính sách đối với Iran tương tự như những chính sách được áp dụng trong nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama, điều này đã làm căng thẳng quan hệ của Washington với các đồng minh truyền thống trong khu vực.
Vừa qua, ông Biden cho biết sẽ tái gia nhập Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran mà ông Trump đã từ bỏ vào năm 2018, đồng thời sẽ làm việc với các đồng minh để củng cố các điều khoản nếu Tehran tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận.
Hoa Vũ (T/h)