Căn cứ quân sự thứ 3 của Nga ở Syria
Một lượng lớn thiết bị quân sự của Nga đã được điều tới sân bay ở thành phố Qamishli, tỉnh Hasaka của Syria. Điều này có thể cho thấy rằng căn cứ quân sự thứ ba của Nga đang xuất hiện ở Syria (sau Hmeimim và Tartus), mặc dù nó vẫn chưa được chính thức hóa về mặt pháp lý.
Các bức ảnh được truyền thông địa phương đăng tải đã cho thấy máy bay chiến đấu đa năng Su-35, trực thăng Mi-8 và Ka-52, cũng như một số radar cảnh giới loại 48Ya6-K1 "Podlet" và R-18-2 "Tiksi-3" đã xuất hiện tại đây.
48Ya6-K1 "Podlet" là radar cảnh giới nhìn vòng 3 tọa độ (3D) di động được đặt trên khung gầm xe tải việt dã, với mảng pha theo từng giai đoạn có khả năng quan sát toàn diện và phát hiện các mục tiêu trên không ở độ cao thấp và cực thấp trong môi trường gây nhiễu mạnh.
Theo thông báo từ nhà sản xuất, loại radar được thiết kế để đưa ra chỉ định mục tiêu cho những tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa như S-300 Favorit, S-400 Triumf cũng như các chủng loại khác.
Trong khi đó R-18-2 "Tiksi-3" là một radar cảnh giới nhìn vòng 2 tọa độ (2D) di động hoạt động trên bước sóng mét, nó không được đánh giá cao về tính năng tác dụng bằng loại 48Ya6-K1 "Podlet".
Đây là phiên bản hiện đại hóa của radar P-18 "Terek" chế tạo từ thời Liên Xô được thiết kế để phát hiện và theo dõi kịp thời các vật thể trên không, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình.
Đài radar này có khả năng xác định mục tiêu trong vùng tầm nhìn, nhận diện chủng loại và cung cấp tọa độ (bao gồm phạm vi, phương vị) cho kíp trắc thủ nắm được thông tin về tình hình quản lý không phận.
Cần lưu ý rằng Qamishli nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và sự xuất hiện của Quân đội Nga tại sân bay này có liên quan đến nỗ lực của Moscow nhằm gửi một tín hiệu tới Ankara, đó là không thể thực hiện cuộc tấn công khác vào trong đất Syria.
Syria lên án "sự leo thang nguy hiểm chưa từng có" của Israel
Chính phủ Syria đã lên án mạnh mẽ kế hoạch của Israel nhằm tăng gấp đôi dân số người Do Thái định cư ở Cao nguyên Golan do nước này chiếm đóng từ Syria trong cuộc chiến tranh năm 1967, khẳng định động thái này đang làm gia tăng căng thẳng ở mức “nguy hiểm chưa từng có”.
Trong một tuyên bố ngày 27/12, Bộ Ngoại giao Syria đã bác bỏ kế hoạch mở rộng khu định cư mới nhất của người Do Thái, cho rằng đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
“Chính phủ Cộng hòa Ả-rập Syria lên án mạnh mẽ hành động leo thang nguy hiểm chưa từng có của chính quyền Israel ở Cao nguyên Golan do Syria bị chiếm đóng và sự tham gia liên tục của họ trong các hoạt động định cư và vi phạm lớn, có hệ thống dẫn tới các tội ác chiến tranh”, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố. Cơ quan này cũng cáo buộc Tel Aviv “tịch thu đất đai, tài sản" và "trộm cắp tài nguyên thiên nhiên" trong vùng chiếm đóng.
Trước đó, cuối tuần qua Chính phủ Israel đã phê duyệt kế hoạch định cư trị giá 317 triệu USD nhằm tăng gấp đôi dân số định cư ở Cao nguyên Golan trong vòng 5 năm tới, với các khoản đầu tư vào nhà ở và cơ sở hạ tầng. Giới chức Israel hy vọng sẽ khuyến khích khoảng 23.000 người định cư mới vào khu vực mà nước này đã chiếm đóng của Syria kể từ sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967, khi họ cũng chiếm cả Gaza, Bờ Tây và một phần bán đảo Sinai.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương cùng ngày 27/12, Ngoại trưởng Syria Faisal al-Miqdad nhấn mạnh về quyền của đất nước ông đối với “toàn bộ Golan bị chiếm đóng” và cho rằng chủ quyền của Syria ở đó “không phải là chủ đề đàm phán hay nhượng bộ”.
Ông Faisal al-Miqdad nói: “Tất cả các biện pháp được thực hiện bởi Israel – thế lực đang chiếm đóng – nhằm thay đổi các đặc điểm tự nhiên và nhân khẩu học của Cao nguyên Golan hoặc áp đặt quyền tài phán của mình đối với nơi này đều vô giá trị và vô hiệu”. Ngoại trưởng Syria bổ sung thêm rằng Israel không có thẩm quyền với Cao nguyên Golan theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 1981 kêu gọi Tel Aviv hủy bỏ yêu sách đối với vùng lãnh thổ chiếm đóng này.
Đảng Baath cầm quyền của Syria cũng lên án gay gắt kế hoạch định cư của người Israel, khẳng định rằng “nhiệm vụ tăng gấp đôi số người định cư” của Israel ở Cao nguyên Golan là một “hành động gây hấn lớn chống lại Syria” và “vi phạm trắng trợn” luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Tel Aviv từ lâu đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trong khu vực, vốn đã được chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump công nhận vào năm 2019 và là nhà nước nước ngoài đầu tiên tán thành việc chiếm đóng. Mặc dù chính quyền kế nhiệm ít công khai ủng hộ Israel hơn kể từ khi lên nắm quyền, nhưng Tổng thống Biden đã phát tín hiệu rằng ông sẽ không thay đổi chính sách của Mỹ liên quan đến Cao nguyên Golan và sẽ tiếp tục chính thức công nhận tuyên bố lãnh thổ của Israel.
Hoa Vũ (T/h)