Israel gia cố phòng thủ sau khi bị tấn công
Theo Lực lượng quốc phòng Israel (IDF), để đề phòng những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ Iran và lực lượng được hậu thuẫn, IDF đang triển khai thêm nhiều hệ thống radar và bệ phóng đánh chặn tại phía Bắc đất nước.
Hiện kế hoạch đã bắt đầu được thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 2 năm. Sau đó những biện pháp tăng cường năng lực đánh chặn sẽ được triển khai trên toàn lãnh thổ.
Hiện tại, Không quân quân Israel được giao nhiệm vụ bảo vệ bầu trời quốc gia, cùng với đó một số hệ thống phòng thủ được triển khai trên nhiều địa điểm khác nhau. Lực lượng này sẽ được bổ sung bằng các khẩu đội đánh chặn cơ động mới để ngăn chặn những nguy hiểm khi xảy ra xung đột.
Ngoài những mối đe dọa mà Không quân và hệ thống đánh chặn mặt đất phải đối mặt trước đây như máy bay, tên lửa thì hiện nay IDF đang phải đối mặt với nguy cơ lớn từ các phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ của các đối thủ.
Các quan chức của IDF cho rằng, cuộc tấn công quy mô lớn của Iran vào cơ sở dầu khí Aramco của Saudi Arabia năm 2019 (Tehran bác bỏ liên quan đến vụ tấn công), được thực hiện bằng cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình, như một lời cảnh tỉnh về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa do những vũ khí này gây ra.
Chính vì vậy, việc IDF tăng cường các biện pháp phòng thủ nhằm đối phó với nguy cơ này là rất cần thiết. Điều đặc biệt là trước khi IDF quyết định tăng cường các biện pháp đối phó với UAV, lực lượng Iran tại Syria cùng đồng minh tuyên bố chuẩn bị tấn công vào một số mục tiêu tại Israel và căn cứ căn cứ quân sự Al-Tanf của Mỹ tại Syria.
Ngay khi xuất hiện lời cảnh báo, hệ thống phòng không và tên lửa được triển khai quanh Al-Tanf đã được đưa vào tình trạng báo động cao nhất. Trên bầu trời Syria và nước láng giềng Iraq, các máy bay trinh sát và cảnh báo sớm của Mỹ đang hoạt động, nhằm báo trước cho quân đội Mỹ trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.
Dù đã biết trước và chuẩn bị đối phó nhưng lực lượng Mỹ vẫn không thể chống đỡ nổi cuộc tấn công vào Al-Tanf hôm 20/10 từ 5 chiếc UAV vũ trang. Không rõ hậu quả của cuộc tấn công nhưng ngay sau khi diễn ra, lực lượng IDF cũng vội gia cố hàng phòng thủ của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn chiến dịch quân sự xuyên biên giới ở Iraq và Syria
Trong phiên họp ngày 26/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua bản kiến nghị cho phép chính phủ nước này tiến hành các chiến dịch quân sự xuyên biên giới tại Iraq và Syria thêm hai năm.
Quyết định này sẽ cho phép lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chuyến dịch xuyên biên giới tại Iraq và Syria tới ngày 30/10/2023. Các sứ mệnh trước đó (bắt đầu từ tháng 10/2014) chỉ có thời hạn một năm và được gia hạn theo từng năm.
Động thái trên cũng cho phép triển khai các lực lượng vũ trang nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo các nguyên tắc do tổng thống đề ra.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch Lá chắn Euphrates vào năm 2016, chiến dịch Cành ôliu năm 2018, chiến dịch Mùa xuân hòa bình năm 2019 và chiến dịch Lá chắn mùa Xuân năm 2020 ở miền Bắc Syria, nhằm truy quét Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) khỏi khu vực dọc theo biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là chân rết của lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) - một tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Chính phủ Syria đã nhiều lần lên án quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới vào nước này, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Iran, đồng minh của Syria, cũng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Nga cho rằng hành động của chính quyền Ankara có thể gây cản trở cho tiến trình hòa bình ở Syria.
IS tấn công đẫm máu tại Iraq
Ngày 26/10, phiến quân thuộc tổ chức khủng bố IS đã sát hại 11 người trong cuộc tấn công vào 1 ngôi làng ở tỉnh Diyala, phía Đông Iraq.
Theo thông tin được bộ Chỉ huy chiến dịch chung của Iraq công bố, vụ tấn công của IS nhằm vào dân thường xảy ra ở làng Al-Hawasha, gần thị trấn Muqdadiya, đã khiến 11 người thiệt mạng và một số người khác bị thương. Các tay súng đã sử dụng súng bán tự động bắn vào dân thường tại đây.
Sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu, lực lượng an ninh Iraq đã có mặt tại hiện trường ráo riết truy bắt thủ phạm.
4 năm sau khi bị đánh bại ở thành phố Mosul của Iraq, các phiến quân IS đã quay trở lại với những nhóm nhỏ.
Chúng tấn công các chốt kiểm soát của quân đội và cảnh sát Iraq, ám sát lãnh đạo địa phương, phá hoại đường dây truyền tải điện và tấn công các mỏ dầu.
Số lượng phiến quân IS hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với khi nhóm này cai trị các vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria.
Hoa Vũ (T/h)