Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 19/9: Mỹ tăng cường sức mạnh, điều tàu sân bay tới vùng vịnh; Mỹ điều trực thăng Apache vây hãm lại xe quân sự của Nga;...
Mỹ tăng cường sức mạnh, điều tàu sân bay tới vùng vịnh
Hình ảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Lục quân Mỹ ngày 18/9 tuyên bố đang tăng cường triển khai lực lượng, gồm cả binh sĩ và thiết bị, tại Đông Bắc Syria, bất chấp nỗ lực nhằm hạn chế hiện diện của Mỹ tại đây, một động thái diễn ra sau những căng thẳng với Nga tại khu vực.
Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) Bill Urban cho biết, CENTCOM "đã triển khai radar Sentinel, gia tăng tần suất cho máy bay chiến đấu tuần tra các lực lượng Mỹ, triển khai xe chiến đấu bộ binh Bradley nhằm tăng cường các lực lượng Mỹ" tại khu vực hiện đang do Mỹ và các đồng minh người Kurd kiểm soát.
Một quan chức giấu tên của Mỹ cho hay, số lượng xe thiết giáp được tăng viện không vượt quá 6 chiếc, trong khi "dưới 100 người" được điều động để điều khiển những xe thiết giáp này.
Không đề cập tới Nga, ông Urban nói rằng, động thái trên "là nhằm giúp đảm bảo an toàn và an ninh của các lực lượng liên quân" và Mỹ "không tìm kiếm xung đột với bất kỳ quốc gia nào khác tại Syria, song sẽ bảo vệ các lực lượng liên quân nếu cần thiết".
Trong khi đó, quan chức giấu tên lại cho biết, những hành động của Mỹ "là tín hiệu rõ ràng yêu cầu Nga tuân thủ các tiến trình giảm xung đột chung và để Nga cũng như các bên khác tránh có những hành động khiêu khích thiếu chuyên nghiệp và không an toàn tại Đông Bắc Syria".
Cùng ngày, Hải quân Mỹ tuyên bố, một tàu sân bay của Mỹ đã đi qua Eo biển Hormuz để tiến vào vùng Vịnh trong bối cảnh Washington đe dọa sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) bất chấp không có sự đồng thuận của các đối tác trong Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong một tuyên bố, Hạm đội 5 của Mỹ cho biết, một nhóm tàu sân bay tấn công do tàu USS Nimitz dẫn đầu và bao gồm 2 tàu tuần dương cùng một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến vào vùng Vịnh để hoạt động và huấn luyện với các đối tác của Mỹ và hỗ trợ liên minh chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Chỉ huy của nhóm tàu này, Chuẩn Đô đốc Jim Kirk nhấn mạnh: "Nhóm tàu sân bay tấn công Nimitz đã hoạt động trong khu vực của Hạm đội 5 từ tháng 7 và đang duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất".
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ thực thi lệnh cấm vận vũ khí và các lệnh trừng phạt quốc tế khác đối với Iran mà Mỹ cho rằng sẽ được gia hạn.
Mỹ điều trực thăng Apache vây hãm lại xe quân sự của Nga
Video trực thăng Nga và Mỹ bay trên đoàn xe quân sự Nga. Nguồn: RusVesna
Theo đoạn video được kênh YouTube RusVesna.SU đăng tải, khi đoàn xe quân sự Nga với khoảng 7 chiếc nhận được sự hộ tống của 2 chiếc trực thăng Mi-8 đang thực hiện chuyến tuần trang gần thủ phủ tỉnh Al-Hasakah thì 2 chiếc trực thăng tấn công Apache Mỹ xuất hiện.
Hình ảnh về vụ việc được ghi lại từ chiếc Mi-8 của Nga cho thấy, hai chiếc trực thăng tấn công của Mỹ liên tiếp bay ở tầm thấp quanh đoàn xe quân sự Nga.
Trong khi đó, trực thăng Nga cũng quyết liệt và không chịu bỏ cuộc. Điều đặc biệt là bấp chấp trực thăng Mỹ bay trên đầu, đoàn xe quân sự Nga vẫn thẳng tiến và thực hiện nhiệm vụ của mình như không hề có sự tồn tại của Apache.
"Trong 1 cuộc tuần tra ở Al-Hasakah, Syria của lực lượng Quân cảnh Nga, phía Mỹ đã có những hành động khiêu khích mới, khi 2 chiếc trực thăng Apache đã vi phạm các thỏa thuận về sự tương tác giữa các bên bằng hành động quấy nhiễu liên tục đoàn xe của Nga.
Điều này cho thấy chỉ huy của Liên minh Quốc tế, sau những tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của quân nhân nước mình, vẫn không từ bỏ nỗ lực kiểm soát sự di chuyển của các lực lượng tuần tra Nga, bằng cách gây thêm những trở ngại trên không.
Chưa biết liệu cuộc đối đầu nổi tiếng giữa Nga và Mỹ có tiếp tục diễn ra hay không, nhưng việc Nga gây ấn tượng mạnh với người Mỹ ở quốc gia Trung Đông này là sự thật", RusVesna.SU dẫn tuyên bố của vị sĩ quan Nga cho biết.
Chuyến bay áp sát của Mỹ được coi là hành động đáp trả Nga khi diễn ra sau vụ trực thăng và xe quân sự Nga tiến vào khu vực liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu kiểm soát hồi giữa tháng 9/2020.
Nga – Thổ bất đồng về tình hình ở Idlib
Hình ảnh đoàn xe quân sự Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung ở Idlib. Ảnh: TRT World |
Chia sẻ với Sputnik, nguồn tin ở Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Ankara đã từ chối di dời binh sĩ đang hoạt động ở các chốt kiểm soát nằm trong vùng đất mà quân đội Syria nắm quyền kiểm soát. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối yêu cầu cắt giảm số lượng binh sĩ và rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực.
Theo nguồn tin, các cuộc đàm phán giữa quân đội Nga – Thổ về tình hình ở tỉnh Idlib hôm 16/9 đã không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Theo đó, Moscow đã không đồng tình với đề xuất của Ankara về việc chuyển giao các thị trấn Tall Rifat và Manbij cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
“Cuộc gặp giữa phái đoàn Nga – Thổ đã không đạt được bất cứ kết quả nào cụ thể cũng như không đạt được một bản ghi nhớ giữa hai bên ở Idlib”, nguồn tin cho biết.
Một nguồn tin từ Damascus cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất kế hoạch yêu cầu phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), lực lượng được Mỹ hậu thuẫn, rút khỏi thị trấn Tal Rifa’at và Manbij thuộc phía bắc tỉnh Aleppo sau đó chuyển quyền kiểm soát cho Ankara.
Phái đoàn Nga đã từ chối kế hoạch trên và khẳng định quân chính phủ Syria đang có mặt ở thị trấn Tal Rifa’at, cũng như không tồn tại bất cứ mối đe dọa an ninh nào ở cả hai thị trấn Tal Rifa’at và Manbij.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách giành quyền kiểm soát Tal Rifa’at và Manbij, kể từ khi SDF và Các lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) chiếm quyền kiểm soát hai thị trấn ở tỉnh Aleppo.
Riêng tại thị trấn Tal Rifa’at, SDF và YPG đã ký kết một thỏa thuận an ninh, trong đó cho phép cả hai lực lượng cùng kiểm soát khu vực. Tình hình ở Tal Rifa’at được cho khá an toàn đối với người dân địa phương và người tị nạn ngoài mối đe dọa tấn công rình rập từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng nổi dậy đồng minh.
Hoa Vũ (T/h)