Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 19/10: Nga phá hủy xưởng sản xuất vũ khí của phiến quân; Hung thần "Thú mỏ vịt" ám ảnh quân khủng bố IS;...
Nga phá hủy xưởng sản xuất vũ khí của phiến quân
Lửa bao trùm xưởng sản xuất vũ khí và kho đạn của phiến quân ở Salqin. |
Vụ tấn công được thực hiện rạng sáng 17/10 nhằm vào nhà kho chứa vũ khí và xưởng sản xuất vũ khí của HTS ở trung tâm thị trấn Salqin gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo con số thống kê được lực lượng Nga công bố, đã có hàng chục tay súng phiến quân thiệt mạng, cùng với đó nhà xưởng và kho chứa vũ khí của chúng cũng bị phá hủy gần như toàn bộ.
Ngoài mục tiêu tại thị trấn Salqin, loạt mục tiêu khác của phiến quân ở dãy núi Jabal al Zawya phía nam tỉnh Idlib, gần nơi quân đội chính phủ Syria lập tiền đồn, hứng không kích dữ dội.
Đây là cuộc không kích quy mô lớn nhất của Nga kể từ sau thỏa thuận ngừng bắn được nước này và Thổ Nhĩ Kỳ ký gần 6 tháng trước. "Đây là lần không kích dữ dội nhất trong 30 vụ từ khi ký thỏa thuận ngừng bắn", Southfront dẫn lời một quan chức quân sự Nga cho biết.
Idlib là thành trì cuối cùng của các nhóm phiến quân chống chính phủ ở Syria, sau khi các căn cứ khác lần lượt bị quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga chiếm lại. Các nhóm phiến quân tập trung ở đây chủ yếu được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và một số nhóm thân al-Qaeda.
Kể từ đầu năm 2020, quân đội chính phủ Syria được không quân Nga hậu thuẫn mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại vùng đất cuối cùng từ tay phiến quân. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sau đó nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 3, lập vùng đệm quanh Idlib và các nhóm phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ được yêu cầu rút vũ khí hạng nặng khỏi vùng đệm.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều hàng nghìn binh sĩ vào tỉnh Idlib và tiến hành các cuộc tuần tra chung với Nga ở vùng đệm. Tuy nhiên, Moscow và Damascus nhiều lần cáo buộc các nhóm phiến quân phá hoại thỏa thuận ngừng bắn, không rút vũ khí hạng nặng và thường xuyên tấn công vào các khu vực do lực lượng chính phủ Syria kiểm soát.
Giới ngoại giao phương Tây phụ trách vấn đề Syria nhận định Nga đã gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đàm phán hôm 16/9 để buộc nước này giảm quy mô hiện diện quân sự tại tỉnh Idlib. Hơn 10.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng tại hàng chục căn cứ tại Idlib của Syria.
Chiến sự tại Syria gần đây diễn biến phức tạp với một số cuộc tấn công nhằm vào đoàn xe tuần tra của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có vụ đánh bom hôm 18/8 khiến thiếu tướng Nga Vyacheslav Gladkikh tử trận.
Hung thần "Thú mỏ vịt" ám ảnh quân khủng bố IS
Tiêm kích Sukhoi Su-34. Ảnh: Tass |
Sukhoi Su-34 là máy bay tiêm kích ném bom và tấn công tiên tiến do Nga nghiên cứu, chế tạo và sản xuất trong những năm 1990. Su-34 dài 23,34m; sải cánh rộng 14,7m; cao 6,09m. Trọng lượng rỗng là 22,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa là 45,1 tấn. Kíp phi công gồm 2 người.
Dữ liệu quân sự từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tải trọng chiến đấu tối đa của cường kích Su-34 là 12 tấn vũ khí với bán kính chiến đấu lên tới 1.000km. Trong đó bao gồm một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30mm với 180 viên đạn, hai giá treo ở đầu cánh cho tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 Vympel, cùng 10 giá treo dưới cánh và thân mang các loại tên lửa không đối không, không đối đất...
Su-34 được lắp đặt rất nhiều công nghệ điện tử rất tiên tiến. Radar V004 của Su-34 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 250km, lập bản đồ mặt đất ở cự ly 150km, mục tiêu trên mặt đất cỡ lớn có thể được phát hiện ở khoảng cách 250km, radar có thể đồng thời bám theo 10 mục tiêu và tấn công bốn trong số đó.
Ăng-ten radar của Su-34 có hình dáng đặc biệt nên phần mũi cường kích khá giống cái mỏ vịt, do vậy loại máy bay này còn có biệt danh là "Thú mỏ vịt".
Trong những ngày đầu tham chiến tại Syria, Su-34 đã gây nhiều thiệt hại cho lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chẳng hạn, cường kích này từng sử dụng bom dẫn đường để san phẳng hoàn toàn trung tâm chỉ huy và trại huấn luyện của IS ở phía tây nam thành phố Raqqa hồi tháng 10/2015.
Trợ lý Tổng thống Donald Trump bí mật tới Syria
Wall Street Journal tiết lộ một quan chức cấp cao trong Nhà Trắng đã đến Syria thời gian qua và có những cuộc đàm phán bí mật với chính phủ Damascus.
Các nguồn thạo tin khẳng định vị quan chức này là Kash Patel, trợ lý cho Tổng thống Donald Trump và có vị trí hàng đầu trong mảng chống khủng bố. Ông Patel đến Damascus có thể để thuyết phục Syria trả tự do cho 2 công dân Mỹ, được cho là đang bị giam giữ tại nước này.
Các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Tổng thống Donald Trump từ chối tiết lộ Kash Patel đã gặp nhân vật nào phía Syria.
Lần gần nhất xuất hiện thông tin quan chức 2 nước đối thoại tại Damascus là vào năm 2010. Mỹ đã cắt quan hệ ngoại giao với Syria vào năm 2012 nhằm phản đối cách Tổng thống Bashar al-Assad dùng quân đội trấn áp làn sóng biểu tình chống chính phủ "Mùa xuân Arab".
Nhà báo Austin Tice mất tích khi đưa tin ở Syria vào năm 2012. Ảnh: Zuma Press |
Giới chức Mỹ kỳ vọng sẽ thuyết phục ông Assad cho thả Austin Tice, nhà báo tự do và cựu lính thủy đánh bộ Mỹ mất tích khi đưa tin ở Syria vào năm 2012. Trường hợp còn lại là Majd Kamalmaz, một bác sĩ người Mỹ gốc Syria. Ông mất tích từ năm 2017, sau khi bị chặn tại chốt biên phòng do quân chính phủ kiểm soát.
Giới chức Syria chưa đưa ra bằng chứng nào cho thấy ông Tice và ông Kamalmaz vẫn còn sống.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về diễn biến này. Giới chức Nhà Trắng không đưa ra phản hồi chính thức về các chuyến đi của Kash Patel. Phái bộ ngoại giao Syria tại Liên Hợp Quốc cũng chưa chính thức lên tiếng.
Vào tháng 3, Tổng thống Trump đã gửi thư riêng cho người đồng cấp Basha al-Assad, đề xuất mở "đối thoại trực tiếp" về nhà báo Austin Tice. Ngoài ra, giới chức Mỹ đã thử nhiều cách đàm về phán thỏa thuận thả người.
Theo một số nguồn tin tiết lộ quan chức an ninh hàng đầu của Lebanon, ông Abbas Ibrahim, tuần trước đã có cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien tại Nhà Trắng. Hai người thảo luận về những công dân Mỹ đang bị giam tại Syria.
Hoa Vũ (T/h)