Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 18/12: Quân đội Nga dội bom xuống Sa mạc Trắng; Hơn 1 triệu người không có nước uống trong 25 ngày;...
Quân đội Nga dội bom xuống Sa mạc Trắng
Chiến đấu cơ Nga dội bom phá hủy một căn cứ của phiến quân IS ở Sa mạc Trắng ngày 15/12. Ảnh: AMN |
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Syria ngày 15/12 (giờ địa phương) cho biết, quân đội Syria với sự hỗ trợ của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã đạt được những chiến thắng đáng kể tại Sa mạc Trắng thuộc tỉnh Homs.
Theo nguồn tin, hiện lực lượng Nga và Syria vẫn đang tấn công các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khu vực Badiya Al-Sham, trấn áp hoạt động của nhóm khủng bố ở đây.
Trong ba ngày qua, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã thực hiện 27 cuộc không kích nhằm vào các căn cứ bí mật của phiến quân IS. Các hoạt động quân sự phối hợp giữa quân đội hai nước Nga và Syria đã đem đến những chiến thắng vang dội cho họ khi loại bỏ được nhiều phần tử IS, phá hủy nhiều căn cứ và nơi trú ẩn của nhóm khủng bố vẫn nằm trong khu vực được gọi là Sa mạc Trắng.
Được biết, hơn 120 phiến binh được cho là đã bị tiêu diệt kể từ ngày 1/12.
Theo thông tin tình báo, hầu hết những tay súng IS này là phiến binh, gần đây đã được thả từ trại Al-Hol của người Kurd được Mỹ hậu thuẫn. Do đó, Washington không biết tự nguyện hay vô tình đã góp phần tạo ra một đội quân khủng bố mới, rất may đã được phát hiện kịp thời và hiện chúng đang bị truy lùng và tiêu diệt bởi Lực lượng vũ trang Nga, Syria.
Theo dữ liệu chính thức sơ bộ, trong các hoạt động khám xét, vũ khí và đạn dược do Mỹ sản xuất mà được quân đội Nga, Syria thu giữ được của các nhóm khủng bố đủ cho một đội phiến quân lên tới hơn 150 người.
Hơn 1 triệu người không có nước uống trong 25 ngày
Người dân tị nạn ở tỉnh Al-Hasakah, Syria. Ảnh: Newsweek |
Hơn 1 triệu người dân sinh sống ở tỉnh Al-Hasakah đã sống trong điều kiện 25 ngày không có nước uống, do các tay súng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cắt nguồn cung nước ở nhà máy Alouk. Đây là hoạt động cắt nước lần thứ 17 trong năm nay tại nhà máy Alouk và do phiến quân Syria thực hiện.
Nguồn tin từ tỉnh Al-Hasakah cho biết, các lực lượng được Ankara hậu thuẫn đã cố tình ngăn chặn các nhân viên kỹ thuật của chính phủ Syria tiếp cận nhà máy Alouk nhằm khắc phục sự cố cắt nước của hơn 1 triệu người ở phía đông bắc Syria.
Hoạt động cắt nước gây ảnh hưởng chính tới thành phố Hasakah, cùng nhiều thị trấn bao gồm Tal Tamr ở phía tây tỉnh Al-Hasakah.
Trong khi đó, phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được báo cáo đã cắt nguồn điện cung cấp từ trạm điện Mabrouka tới thành phố Ras Al-‘Ain, khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng nổi dậy thân Ankara.
Tổng Giám đốc Tập đoàn cung cấp nước của chính phủ Syria ở tỉnh Hasakah là ông Mahmoud Al-Ikla chia sẻ với Sputnik rằng, “Nhà máy nước Alouk nằm ở thành phố Ras al-Ain trong tỉnh Al-Hasakah là nguồn cung cấp nước uống duy nhất và không có nguồn thay thế khác, nhưng cơ sở này đã dừng hoạt động 25 ngày liên tiếp”.
Cũng theo ông Al-Ikla, hoạt động ngừng cấp nước là “do thiếu dòng điện phục vụ trạm bơm gây ảnh hưởng tới cuộc sống của 1 triệu người dân Syria ở thành phố Hasakah và thị trấn Tal Tamr cùng các ngôi làng xung quanh. Sự gián đoạn lần này là hậu quả của những hành động vi phạm và lạm quyền do các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ kỳ chống lưng ở vùng Ras Al-Ain thực hiện khi cắt đứt nguồn điện cung cấp cho nhà máy nước”.
Ông Al-Ikla nhấn mạnh thêm, chính phủ Syria đang làm việc với các cơ quan quốc tế thông qua tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Syria để điều động xe bồn vận chuyển nước nhằm làm đầy 100 bồn nước cỡ lớn nằm rải rác ở nhiều khu vực trong thành phố Hasakah.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục đàm phán về Hiến pháp Syria
Đặc Phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Syria và Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân đạo đã báo cáo Hội đồng Bảo an về tiến trình chính trị và tình hình nhân đạo tại Syria.
Các báo cáo viên cho biết, tại vòng đàm phán thứ 4 của Uỷ ban Hiến pháp diễn ra tại Geneva từ ngày 30/11 - 1/12/2020, chính phủ, phe đối lập cùng đại diện các tổ chức chính trị-xã hội đã thảo luận về các nguyên tắc và nền tảng của quốc gia với vai trò cầu nối của Liên Hợp Quốc. Khác biệt lớn vẫn tồn tại, tuy nhiên các bên tỏ thiện chí đàm phán và đi vào một số nội dung thực chất nhằm tìm điểm tương đồng.
Về tình hình an ninh, dù Thoả thuận ngừng bắn tại vùng Tây Bắc Syria đã làm tình hình tương đối ổn định so với giai đoạn leo thang xung đột đầu năm 2020, tuy nhiên tình trạng bạo lực vẫn diễn ra ở một số khu vực.
Về tình hình nhân đạo, đại dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng hơn, đáng chú ý là có dấu hiệu ảnh hưởng nặng nề tới nhiều trường học trong thời gian gần đây. Khủng hoảng kinh tế đang ở mức trầm trọng nhất, giá lương thực đang ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu khủng hoảng tại Syria. Mất an ninh lương thực đang làm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tăng cao, trong đó có tới 34% trẻ em dưới 5 tuổi tại Tây Bắc Syria suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ghi nhận tiến triển trong đàm phán tại khuôn khổ Uỷ ban Hiến pháp thời gian cuối năm 2020, cho đây là cơ hội để đạt được đột phá trong đàm phán sửa đổi Hiến pháp cũng như trong tiến trình chính trị tại Syria. Đại sứ kêu gọi các bên tăng cường đối thoại để thúc đẩy giải pháp chính trị lâu dài và đặt lợi ích của người dân Syria lên hàng đầu.
Trong vấn đề nhân đạo, Đại sứ bày tỏ lo ngại sâu sắc về những khó khăn mà người dân Syria phải chịu đựng do ảnh hưởng của bất ổn và khủng hoảng kinh tế cũng như tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm qua. Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế đối với Syria trong việc thúc đẩy tiến trình chính trị cũng như cải thiện tình hình nhân đạo.
Hoa Vũ (T/h)