Liên minh Thổ Nhĩ Kỳ nhận đòn đau từ Su-24 và MiG-29 bí ẩn
Ấn phẩm Topontiki của Hy Lạp đưa tin, một lực lượng không quân không rõ danh tính, bao gồm các tiêm kích Su-24 và MiG-29, đã tấn công một đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở gần thành phố Mistrata, Libya.
Cuộc tấn công đã khiến ít nhất 30 tay súng Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh thiệt mạng. Ngoài ra, hơn 50 phương tiện kỹ thuật khác đã bị phá hủy.
Trước đó, có thông tin cho biết lực lượng LNA do tướng Khalif Haftar hậu thuẫn đã tái bố trí ở thành phố cảng chiến lược Sirte. Thành phố này cũng là “giới hạn đỏ” được Ai Cập tuyên bố không cho phép lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng GNA vượt qua.
Trang Reporter của Nga nhận định tình hình tại Libya đang thay đổi một cách nhanh chóng. Một liên minh quốc tế đã có câu trả lời phố hợp trước đòn “tập kích” của Thổ Nhĩ Kỳ tiến đến Tripoli và xa hơn nữa là khu vực “lưỡi liềm dầu mỏ”, đồng thời sẵn sàng kiềm chế tham vọng của người Thổ.
Theo đó, cả Nga, Pháp, Ai Cập cùng với UAE và Saudi Arabia có thể đã soạn thảo một chiến lược chung nào đó nhằm chống lại mưu đồ của Ankara nhằm “gặm nhấm” một phần lãnh thổ rộng lớn của Libya.
Đại diện của LNA nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiếp tục các hành động quân sự cho tới khi kiểm soát toàn bộ khu vực “lưỡi liềm dầu mỏ” và chỉ khi đó Tổng thống Erdogan mới đi tới đàm phán.
Reporter cho rằng LNA sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt chống lại người Thổ. Trong khi đó, LNA được quân đội Ai Cập hậu thuẫn và UAE cùng Saudi Arabia cũng đã công khai ủng hộ Ai Cập về tài chính.
Bên cạnh đó, các tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2E do Nga sản xuất đã giúp triệt tiêu ưu thế trên không của người Thổ bằng cách tiêu diệt các máy bay không người lái của “Erdogan”.
Về mặt chính thức, Nga không can dự vào cuộc chiến tại Libya. Tuy nhiên, từ lâu đã có thông tin về lực lượng đánh thuê Wagner của Nga tham chiến tại quốc gia Bắc Phi này và đứng về phía tướng Haftar.
Thời gian qua, phía Mỹ cũng liên tiếp tung ra thông tin một lực lượng không quân chưa rõ danh tính do Nga sản xuất và không có số hiệu đã được đưa tới căn cứ quân sự ở al-Jufra ở Libya.
Israel phá hủy nhầm hệ thống S-200 mô hình của Syria?
Mới đây, Không quân Israel (IAF) thông báo các máy bay chiến đấu của họ đã dễ dàng tiêu diệt địa điểm triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-200 Angara của Damascus, tuy nhiên khả năng cao đây chỉ là mô hình.
Cụ thể, theo Trung tâm Hòa giải các bên xung đột tại Syria do Nga điều hành, mới đây Không quân Israel đã huy động 6 máy bay chiến đấu F-16 để phóng tên lửa hành trình tầm xa từ Lebanon vào các mục tiêu trong đất Syria.
Biên đội tiêm kích Israel đã bắn tổng cộng 12 tên lửa Delillah, đại diện Quân đội chính phủ Syria (SAA) cho biết, ít nhất 10 quả trong số đó đã bị phòng không nước này đánh chặn thành công. Mặc dù vậy, 2 tên lửa còn lại đã đánh trúng vào trận địa phòng không quan trọng nhất của SAA ở khu vực Homs, phá hủy ít nhất một tổ hợp tên lửa tầm xa S-200 Angara.
Phía Israel sau đó đã cung cấp một tấm ảnh vệ tinh nhằm chứng minh hiệu quả trận đánh, tuy nhiên, theo giới truyền thông thì độ phân giải ở mức rất thấp. Do vậy chưa thể khẳng định rằng hệ thống phòng không S-200 của Syria đã bị phá hủy.
“Không quân Israel đã tiến hành cuộc tấn công vào Syria với mục đích phá hủy một cơ sở phòng không nằm cách trung tâm tỉnh Homs khoảng 8 km về phía Nam" - Trang Reporter của Nga tường thuật.
"Hậu quả của cuộc tập kích này được ghi lại trên các hình ảnh vệ tinh. Tờ báo Times of Israel đưa tin rằng có ít nhất một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-200 được sản xuất từ thời Liên Xô trên chiến trường nói trên đã bị trúng đạn".
Trong lúc này, đại diện Quân đội chính phủ Syria không đưa ra bất cứ tuyên bố nào liên quan đến thiệt hại của họ sau trận không kích, dẫn tới nghi ngờ về phát ngôn của Không quân Israel về việc phá hủy thành công S-200.
Điều bất ngờ là ngay sau khi báo Israel tuyên bố tiêm kích nước này đã tiêu diệt S-200 Syria, tờ Al Masdar News đã tiết lộ tại khu vực vừa bị F-16 tấn công, Syria đang triển khai một số hệ thống phòng không chế tạo bằng mô hình bơm hơi. Những hệ thống phòng không đặc biệt này được Syria sử dụng để đánh lừa đối phương.
Chiến thuật trên đã thành công nhiều lần trong những cuộc không kích của Israel gần căn cứ T4 hồi năm 2019. Do vậy không loại trừ khả năng tên lửa hành trình Delilah của Israel đã đánh trúng mô hình giả lập chứ không phải một tổ hợp phòng không S-200 Angara đích thực.
Hoa Vũ (T/h)