Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Tuổi trẻ
Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
Một trong những giải pháp của Chính phủ được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên trong báo cáo trước Quốc hội là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.
"Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân định cư lâu dài trên các đảo và hoạt động kinh tế trên biển. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, thông tin liên lạc, nghiên cứu khoa học và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ nêu vẫn tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực để giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại phiên khai mạc sáng nay (20/5), trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 13, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hầu hết ý kiến cử tri cả nước đều bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc mở rộng các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép tại Trường Sa, phản đối việc Trung Quốc xây dựng nhiều công trình kiên cố cao tầng trên các đảo này.
Ông nhấn mạnh: "Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC)".
Video: Trung Quốc ngụy biện về tình hình Biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng chuyển lời mong mỏi của cử tri tới Quốc hội: “Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin với Quốc hội.
Trao đổi trên VTV ngay trước phiên khai mạc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ diễn ra trong hơn 1 tháng, trong đó có 2,5 ngày Quốc hội dành để chất vấn các tư lệnh ngành về các vấn đề nóng được cử tri cả nước quan tâm.
Trọng tâm kỳ họp này là công tác lập pháp với việc thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết, cho ý kiến đối với 15 dự án luật như Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND…
Một số luật Quốc hội sẽ cho ý kiến như Bộ Luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi, Luật trưng cầu ý dân, Luật tạm giữ, tạm giam…
H.M(tổng hợp)