(ĐSPL) - Đồng nghĩa với việc tăng lương cơ sở, Bộ Tài chính cho biết, năm 2016 ngân sách trung ương sẽ chi 500 tỷ đồng để tinh giản biên chế 296.000 người.
Tin tức từ báo Công Lý, tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), trong tình hình ngân sách khó khăn hiện nay khó bố trí được nguồn. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.
Ước tính, số lượng cán bộ công chức có gần 700.000 người, nhưng tổng số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, liên quan ngân sách nhà nước lại lên đến hơn 8 triệu người, do vậy, để cải cách tiền lương thì đòi hỏi một lượng tiền rất lớn. Lần gần đây nhất, để tăng lương cơ bản từ 930.000 lên 1.150.000 đồng, ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra trên 44.000 tỷ đồng/năm.
Tăng lương phải đi kèm với tinh giản biên chế. Với bộ máy cồng kềnh, số lượng người hưởng lương ngân sách quá đông đảo như hiện nay thì tinh giản biên chế được đặt ra càng cấp thiết.
Báo Tiền Phong cũng đưa tin, theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2021, bộ máy nhà nước sẽ tinh giản biên chế trên 296 nghìn người (chiếm 10\% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay). Cả nước hiện có gần 3 triệu người thuộc bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Bộ này cho hay, đối tượng tinh giản biên chế thuộc cấp nào sẽ dùng ngân sách cấp đó để chi trả. Kinh phí ngân sách trung ương đã chi 3.158 tỷ đồng để thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn này.
Đồng thời, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ vừa cùng đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn tăng thu phí thi tuyển, thi nâng ngạch công chức và tương đương, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016. (Ảnh minh họa: internet) |
Báo Công Lý thông tin thêm, năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội dành nguồn ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Năm 2016, đã bố trí chung trong nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và tinh giản biên chế. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, giai đoạn 2007-2011, đã thực hiện tinh giản biên chế 69.269 cán bộ, công chức, viên chức.
Kinh phí ngân sách Trung ương đã chi thực hiện cho tinh giản biên chế giai đoạn này là 3.158 tỉ đồng.
Đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế, trao đổi với VOV, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Tinh giản được tiến hành bằng nhiều giải pháp như phân loại, đánh giá, tự xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu phê duyệt mà không thực hiện đúng chỉ tiêu đó là không hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn phải tiến hành xác định vị trí việc làm trên cơ sở căn cứ phù hợp để tính toán biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan tổ chức, phù hợp khối lượng công việc cũng như phạm vi quản lý của từng cơ quan, tổ chức.
Theo ông Trần Anh Tuấn, với cách làm này, tổng biên chế năm 2015 giảm được 1,5\% từ trung ương đến địa phương. Các đối tượng tinh giản chủ yếu là về hưu, thôi việc và những người nằm trong diện tinh giản biên chế theo Nghị định 108.
Sau khi tinh giản số người thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định 108, số người giải quyết theo chế độ thôi việc hoặc nghỉ hưu thì việc tuyển dụng được thực hiện theo cách “ra 2 vào 1” (nghĩa là nếu về hưu, thôi việc được 10 người thì chỉ được tuyển vào 5 người). “Cách làm này góp phần vào giải pháp giảm chi thường xuyên, quản lý chặt chẽ chi tiêu công”- ông Trần Anh Tuấn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, biên chế từ nay đến 2016 về cơ bản là giữ ổn định.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2021, bộ máy nhà nước sẽ tinh giản biên chế trên 296 nghìn người. (Ảnh: báo Công Lý) |
“Trong điều kiện thắt chặt chi tiêu công thì có nhiều giải pháp trong đó có vấn đề tinh giản biên chế cũng là một trong những giải pháp rất quan trọng bổ sung cho việc thực hiện bộ máy tinh gọn” – ông Trần Anh Tuấn nói.
Để bố trí nguồn vốn chi trả cho con người, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, các giải pháp thắt chặt chi tiêu công đây cũng là giải pháp đã được thực hiện từ đầu năm 2015. Ngay từ đầu năm Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành chỉ thị 06. Trong chỉ thị này yêu cầu các Bộ, địa phương cắt giảm 10\% chi thường xuyên, trừ phần chi cho con người và tạm thời để đó chưa được sử dụng.
Trong tháng 9, Bộ Tài chính trình Thủ tướng trong giải pháp điều hành ngân sách đến cuối năm, đã đề nghị sử dụng 10\% chi thường xuyên đã cắt giảm với bộ, ngành (là 650 tỷ đồng). Tạm thời chưa sử dụng dự phòng 3.500 tỷ. Phần dự phòng này cũng để bù đắp cho phần hụt thu do những nguyên nhân biến động của giá dầu trên trường quốc tế.
“Chính phủ cũng đã có chỉ đạo rà soát và tinh giản biên chế. Đây cũng là giải pháp để bộ máy tinh gọn, từ đó cắt giảm phần chi hành chính, chi cho bộ máy. Đây là giải pháp đã được Bộ Tài chính thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ” – bà Vũ Thị Mai cho biết thêm.
Được biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, vấn đề bố trí tăng lương cơ sở 2016 cũng đã được các thành viên Chính phủ đưa ra bàn bạc thận trọng. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]UJKwR2kVRY[/mecloud]