(ĐSPL) - Chỉ một tấm hình kỷ niệm và một bức thư ghi vội mấy dòng lưu bút trước lúc chia tay, nhưng trái tim họ đã hướng về nhau, đợi chờ, hi vọng, ngay cả khi cái chết cận kề.
Bom đạn chiến tranh đã chia cắt họ vào đúng thời điểm mừng vui chiến thắng sau “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”. Mối tình đầu đơn sơ, mộc mạc ấy mãi đến hôm nay, mỗi khi nhắc lại, trái tim người lính Điện Biên năm xưa vẫn thổn thức, xót xa.
Đại tá, cựu chiến binh Lê Duy Lưu, SN 1929, tại TP.Vinh ( Nghệ An), nguyên Trưởng phòng Bảo vệ an ninh (Bộ tổng tham mưu), trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ông là chính trị viên Đại đội 34, tiểu đoàn 400, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. 60 năm trôi qua, mái tóc xanh ngày nào giờ đã bạc trắng, chân tay đã yếu nhưng khi gợi lại những kỷ niệm về Điện Biên Phủ, về tình yêu đầu đời với cô sơn nữ miền Tây Bắc đôi mắt ông bỗng sáng lên, giọng kể rành rọt.
“Đầu năm 1954, đơn vị tôi hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Trần Đình Hơn 7 năm hành quân, chiến đấu kể từ ngày nhập ngũ (Tháng 7/1947), bước chân những người lính chúng tôi đã vượt qua biết bao chông gai khó nhọc. Đơt hành quân lên Tây Bắc lần này cũng không ít vất vả, gian lao. Sau một thời gian dài hành quân không nghỉ, chúng tôi đã đến huyện Mường La thuộc tỉnh Sơn La. Có lệnh tạm dừng chân, đóng quân để củng cố lực lượng và ổn định tổ chức chuẩn bị vào trận tuyến, chúng tôi phân tán ở trong rừng, gần bà con địa phương.
Cách nơi đại đội tôi đóng quân chừng hơn trăm mét là nhà của mẹ con cô gái có tên Thu Thủy, cán bộ hội phụ nữa huyện Mường La. Thủy đẹp như bông hoa mận, hoa mơ vùng Tây Bắc. Cô có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt đen tròn, mà lúm đồng tiền trông rất có duyên. Ngày ấy tôi mới 25 tuổi, là cán bộ chính trị nên thường xuyên phối hợp công tác với đoàn thể địa phương, nhất là với thanh niên, phụ nữ nhờ hỗ trợ hậu cần, ăn, nghỉ cho đơn vị. Bởi thế, tôi có cơ hội gặp Thủy hằng ngày. Hình như chúng tôi rất có duyên với nhau nên nói chuyện, làm việc rất tâm đầu ý hợp. Và rồi, giữa chúng tôi nảy sinh tình cảm…
Ông Lưu cười rất tươi trong khi vợ ông, bà Nguyễn Thị Thịnh, đang chăm chú lắng nghe với nét mặt tò mò, háo hức. Có lẽ, đây là lần đầu tiên bà được nghe chồng kể lại câu chuyện tình yêu mộc mạc, đơn sơ thuở trước.
Giây lát, ông Lưu nhấn nhá: “Sau mấy ngày nghỉ chân, đơn vị tôi chuẩn bị thu dọn, xóa dấu vết tiếp tục hành quân vào trận địa. Chiều hôm trước, Thủy đến nơi trú quân tìm gặp tôi. Tranh thủ phút nghỉ ngơi, chúng tôi ra bìa rừng ngồi bên nhau chuyện trò chốc lát. Hôm đó, em tặng tôi một tấm ảnh em chụp từ vài tháng trước và một bức thư. Phía sau tấm ảnh có ghi dòng chữ ‘Mến tặng anh để làm kỉ niệm. Mong anh mãi nhớ đến em’. Không kịp để tôi nói lời cảm ơn, Thủy đã bước nhanh, mặt ửng hồng bẽn lẽn. Tôi đứng lặng, dõi mắt nhìn theo đến khi bóng em xa khuất.
Trong tim tôi lúc đó trào dâng một cảm giác lâng lâng khó tả. Về hầm trú quân, tôi cứ băn khoăn bởi chưa nói được với em lời nào, cũng chăng có món quà gì tặng em để làm kỷ niệm. Tối mai đơn vị đã hành quân…, biết tặng gì cho em – cô gái miền Tây Bắc đã khiến trái tim tôi nhớ thương, xao xuyến. Chính lúc đó, khả năng làm thơ của một cán bộ chính trị, chủ bút tờ báo tường của tiểu đoàn đã giúp tôi gỡ bí. Ngay tối hôm ấy, tôi loay hoay sáng tác mấy vần thơ: “Ai đưa anh tới đây/Gặp em tại nơi này/Trái tim như thầm nói/Tình không rượu mà say/Ngày mai tạm chia tay/Hẹn em ngày tái ngộ/Khi châu về hợp phố/Chúng mình sẽ nên duyên”. Đọc lại thấy xuôi tai và rất hợp với tâm trạng tôi lúc đó.
Sáng sớm hôm sau, tôi tới nhà gặp Thủy. Bố mẹ em cũng rất quý tôi nên cho phép hai đứa ngồi nói chuyện riêng. Tôi trao em bài thơ viết vội thay lời hẹn ước. Đọc xong, Thủy nhìn tôi mà mắt đỏ hoe. Em nắm chặt tay tôi, gật đầu khiến lòng tôi xao xuyến, lưu luyến. Không ai nói ra nhưng chúng tôi thầm hiểu, từ đây trái tim hai đứa đã thuộc về nhau…”.
Thế rồi, chính trị viên Lê Duy Lưu cùng đơn vị gấp rút hành quân ra mặt trận. Trong những ngày chiến tranh khốc liệt họ không có thời gian dành cho nhau dù chỉ qua những cánh thư ngắn ngủi. Phút yên lặng hiếm hoi trên chiến trường người lính ấy khôn nguôi nỗi nhớ. Ánh mắt hiền hậu, nụ cười tươi xinh và cái nắm tay xiết chặt… cứ hiện hữu trong đầu như tiếp thêm sức mạnh cho anh bền gan chiến đấu, mong sớm đến ngày gặp lại. Và rồi, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.
Trong thời khắc hân hoan đón mừng chiến thắng, Lê Duy Lưu xin phép đơn vị tranh thủ về Mường La thăm người yêu nơi xóm nhỏ. Bao mừng vui, háo hức khiến bước chân anh sải dài, hối hả. Thế nhưng…“Tỉnh lại đi em, Điện Biên ta thắng rồi”. Gương mặt người lính già bỗng trở nên khắc khổ. Những vết hằn thời gian như khắc sâu hơn. Ông Lưu trùng giọng: “Trên đường về thăm Thủy tôi dự định bao nhiêu điều muốn nói, muốn giãi bày cho vơi bớt nhớ thương. Vậy mà, vừa về tới nhà Thủy, nhìn thấy tôi, mẹ và cô em gái Thủy bỗng nhiên òa khóc. Linh cảm có chuyện chẳng lành, tôi hỏi dồn: “Thủy đâu, Thủy đâu rồi hả mẹ?”. Câu hỏi ấy càng làm cho mẹ Thủy khóc to hơn khiến hai chân tôi như muốn khuỵu xuống. Em gái Thủy thút thít: “Anh ơi, chị Thủy đang nằm cấp cứu ở bệnh viện dã chiến Sơn La. Mấy hôm trước, khi đang trên đường đi công tác, gặp máy bay địch oanh tặc, chị ấy dính bom bị thương rất nặng”.
Nghe vậy, đầu óc tôi quay cuồng, buốt nhói tâm can. Tôi liền cùng em gái Thủy lên ngay bệnh viện. Chao ôi, Thủy nằm đó đôi môi khô héo, mắt nhắm nghiền, nhịp thở khó khăn, nặng trĩu. Bác sĩ điều trị bảo tôi, vết thương của Thủy quá nặng, lẽ ra cô ấy đã không qua khỏi từ vài hôm trước, nhưng không hiểu vì lí do gì mà đến nay cô ấy vẫn kiên cường duy trì sự sống mong manh. Nắm chặt tay Thủy, nước mắt tôi nhòa đi, môi run run mấp máy: “Thủy ơi, anh đã về với em đây”. Bất chợt, hai hàng lệ lăn dài trên đôi gò má khô khan của Thủy. Môi cô ấy run run như muốn nói điều gì mà suốt cuộc đời tôi không sao biết được”.
Ông Lưu bật khóc. Tiếng nấc nghẹn của người già khiến lòng tôi se thắt. Bà Thịnh, vợ ông cũng hai hàng lệ chảy. Ôm nhẹ vai ông, bà nhỏ nhẹ: “Chuyện cũ qua rồi, ông đừng khóc nữa! Chiến tranh mà, ai biết trước được đâu. Thôi, ông kể tiếp đi xem chị ấy thế nào?”.
Người lính già giãi dầu trận mạc đưa tay gạt dòng lệ chảy. Phải mấy phút sau, ông mới chậm rãi từng lời: “Nhẹ nhàng áp bàn tay Thủy lên ngực, tôi cảm nhận được hơi ấm từ đôi bàn tay em đã bắt đầu chuyển lạnh. Gương mặt Thủy vẫn khả ái, vô tư, chỉ có đôi mắt là nhắm nghiền, làn mi nhúc nhích. Dường như Thủy vẫn nghe được những điều tôi nói. Cúi xuống, đặt lên môi em một nụ hôn đầu đời, tôi thủ thỉ: “Tỉnh lại đi em, tỉnh lại đi để cùng anh thực hiện lời hẹn ước. Điện Biên ta thắng rồi, giặc Pháp đã thất bại rồi…, dậy đi em, ngày mai về quê anh…, về quê anh em nhé!”. Đôi môi em khép chặt bỗng hé ra chút ít rồi từ từ lịm hẳn. Tôi không kìm nén được lòng mình khi cơ thể em lạnh dần, kiệt sức. “Thủy ơi, Thủy ơi!”, tôi bật gọi tên em trong đau đớn, xót thương, vô vọng. Chỉ vài giây sau, em ra đi vĩnh viễn.”.
Giọng ông Lưu lạc đi, thổn thức. Vợ ông cũng sụt sùi lau nước mắt. Bà nhìn chồng nhè nhẹ trách yêu: “Vậy mà bấy lâu ông chẳng thèm kể cho tôi biết, cứ mang nặng trong lòng nỗi niềm sâu thẳm… Khổ thân ông, khổ thân chị Thủy!”
Nắm chặt tay vợ, ông Lưu bộc bạch: “Một cõi riêng tư, kỷ niệm ấy tôi chỉ muốn tự mình lưu giữ. Nay đã kể ra rồi chẳng còn là của riêng mình nữa”.
Sau sự ra đi đường đột của người yêu, Lê Duy Lưu ở lại cùng gia đình lo tang lễ. Trên tấm bia thờ cơ sơn nữ Mường La, anh đã rút ruột đề bài thơ tiễn biệt: “Em đi lòng dạ vấn vương/Tương tư đứt gánh giữa đường từ đây/Ngỡ ngàng cá nước sum vầy/Duyên đầu đôi ngả nước mây cách vời/Thà chưa gặp gỡ em ơi/Chim uyên tung cánh cõi trời xa bay/Tình duyên chẳng rượu mà say/Không trăm năm cũng phút giây tương phùng/Tình nhà nợ nước trả cùng/Em ơi thanh thản yên lòng ra đi/Tình em, anh mãi khắc ghi/Dẫu cho biển cạn, núi mòn vẫn yêu”.
Đọc lại những vần thơ thương xót ấy, Đại tá Lê Duy Lưu vẫn xúc động, bùi ngùi.
TRƯỜNG GIANG
Bài đã được đăng trên tờ Hôn nhân Pháp luật – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật
Xem thêm Clip hot: Màn trượt "giường" của cặp đôi gây nam nữ gây xôn xao
[mecloud]KX4aBl9LbL [/mecloud]