+Aa-
    Zalo

    “Tin vịt” trên mạng xã hội: Lấy thông tin đáp trả thông tin

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Xu hướng thông tin theo chiều ngược của mạng xã hội đang có xu hướng lấn át hơn là biểu dương các hành vi có tính tích cực.

    (ĐSPL) - Xu hướng thông tin theo chiều ngược của mạng xã hội đang có xu hướng lấn át hơn là biểu dương các hành vi có tính tích cực. Đó là nhận định của chuyên gia xã hội học, TS. Nguyễn Thị Tố Quyên về thực trạng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

    TS. Nguyễn Thị Tố Quyên.

    Bà đánh giá ra sao về các thông tin được quan tâm và đưa lên mạng xã hội thời gian qua?

    Thực tế hiện nay bất cứ chuyện gì, người ta cũng có thể đưa lên mạng xã hội. Đặc biệt là các yếu tố tiêu cực, xu hướng thông tin theo chiều ngược của mạng xã hội đang có xu hướng lấn át hơn là biểu dương các hành vi có tính tích cực. Có lẽ chính mọi người nhìn ra bình diện đó nên nó mới thu hút sự quan tâm của giới quản lý, các nhà lãnh đạo. Mạng xã hội có tác động tới rất nhiều thành phần trong xã hội.

    Đáng tiếc là mặt trái, sự "âm tính" của thông tin trên mạng xã hội lại đang lan nhanh trong xã hội. Người sử dụng có thể gây chú ý bằng ăn mặc, câu nói, hành vi dị biệt, thông tin tiêu cực... Điều này thời gian đầu chủ yếu phổ biến ở giới trẻ, trong làng giải trí. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều đối tượng xấu còn sử dụng mạng xã hội như một "kênh" đưa tin tiêu cực nhiễu loạn, giả mạo liên quan đến các nhân vật quan trọng. Đó là một điều cực kỳ đáng quan ngại.

    Rõ ràng trong thời gian qua, không chỉ có giới trẻ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội mà nó còn ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác?

    Một lý do để giải thích việc nhiều người "xông" vào mạng xã hội, mạng internet hiện nay vì nghĩ nó dễ hơn. Họ nghĩ ở đó chỉ có mình đối diện với mình. Ở trên mạng xã hội, họ không cảm thấy sự kiểm soát, không thấy rào cản trước mặt. Nhưng cái hướng của họ vẫn là đưa đến cộng đồng. Dù có nhiều người không lường trước hiệu ứng to lớn của nó với cộng đồng.

    Điều thứ hai là mạng xã hội là một "kênh" tương đối khó kiểm soát. Hiện nay, với hơn 30 triệu người sử dụng mạng xã hội, rõ ràng tác động của nó là cực kỳ rõ nét. Bằng chứng là các thông tin, bài viết liên quan đến chính trị, các nhân vật quan trọng được cả những người có tri thức chia sẻ và ai cũng hiểu tốc độ lây lan của các thông tin này trên mạng nhanh đến mức độ nào. Ở nhiều quốc gia họ cũng phải cử các nhà chuyên môn theo dõi hoạt động này để có thể hiểu và "nắm" được nó.

    Không thể ngăn cấm mạng xã hội, vậy theo bà, làm sao để "nắm" và định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội?

    Chúng ta hoàn toàn có thể đập tan các thông tin sai lệch bằng việc đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng dư luận. Khi một thông tin tiêu cực được lan truyền trên mạng nếu cơ quan chức năng im lặng dễ làm nảy sinh sự hồ nghi. Thông tin phải được đáp lại bằng thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu các cơ quan chức năng chủ động thông kịp thời, chuẩn xác, người dân chắc chắn sẽ tiếp nhận một cách tích cực.

    Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

    TS. Tâm lý Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam): “Dĩ độc trị độc”

    Nhiều người hiện nay cho rằng mạng xã hội chẳng ai biết ai là ai, nên tự do tung tin, bôi nhọ. Không ít người cho rằng mình muốn làm gì thì làm, muốn viết gì thì viết. Điều này đã tạo nên nhiều bức xúc cho dư luận thời gian qua. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

    Tôi cho rằng mạng xã hội có thể kiểm soát được, thậm chí kiểm soát rất tốt. Bởi lẽ, mạng xã hội không phải của một người, nếu ai đó đưa thông tin sai thì mọi người có thể kiểm chứng và phản hồi lại. Ví dụ như hiện tượng Kenny Sang chẳng hạn, anh ta có thể đưa thông tin thất thiệt về gia cảnh, cuộc sống của mình nhưng rồi tất cả thông tin bịa đặt đó đều bị phơi bày bởi cộng đồng mạng. Cái quan trọng là người ta đưa ra được những thông tin thuyết phục, với những bằng chứng rõ ràng, đủ sức "đập" lại thông tin sai lệch.

    TS.Phạm Mạnh Hà: Không thể định hướng theo cách áp chế.

    Tâm lý thông thường, có những thứ bị cấm, chưa rõ ràng thì người ta lại càng tò mò, bàn tán. Điều này có thể tạo điều kiện cho những kẻ xấu với những mục đích khác nhau lợi dụng, tung tin đồn thất thiệt. Nếu một người nói sai, đám đông sẽ không tin, nhưng 100 người nói sai, người ta sẽ nghi ngờ, 1.000 người nói sai, chắc chắn sẽ có nhiều người tin. Vì vậy, nếu chúng ta không có sự phản hồi trở lại, minh bạch, công khai thông tin thì rất khó có thể dập được sự hoài nghi của số đông. Nếu không muốn sự thật bị bóp méo thì tự bản thân chúng ta phải minh bạch, công khai thông tin kịp thời.

    Vậy làm thế nào để định hướng dư luận xã hội trong thời buổi bùng nổ thông tin mạng như hiện nay?

    Trong lý thuyết về dư luận xã hội và tin đồn, chỉ có hai yếu tố là tin đồn và dư luận. Khi nào thì có tin đồn? Là khi có những thông tin, quan điểm liên quan trực tiếp tới đời sống mọi người mà không được kiểm chứng, minh bạch. Sau khi có tin đồn sẽ xuất hiện các thông tin phản hồi, cho rằng đó là sự thật thì sẽ tạo nên dư luận. Nếu chúng ta muốn định hướng dư luận thì rõ ràng thông tin của chúng ta phải minh bạch, rõ ràng, bằng chứng cụ thể. Không ai khác những cá nhân có liên quan phải tự lên tiếng bảo vệ mình, thậm chí bằng chính mạng xã hội để "dĩ độc trị độc".

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-vit-tren-mang-xa-hoi-lay-thong-tin-dap-tra-thong-tin-a82464.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan