Ukraine cùng Pháp phát triển UAV trọng tải 1,5 tấn
Theo thông tin mới nhất được tờ La Tribune đăng tải, Pháp và Ukraine đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển một mẫu máy bay không người lái (UAV) dựa trên thiết kế của dòng Aarok hôm 28/9.
Chi tiết về thỏa thuận giữa tập đoàn quốc phòng Antonov của Ukraine và công ty vũ khí Pháp Turgis & Gaillard chưa được tiết lộ, ngoại trừ việc mẫu UAV trên sẽ được sản xuất tại Ukraine và chỉ được biên chế cho quân đội nước này.
Được tập đoàn Turgis & Gaillard công bố hồi tháng 6, Aarok là dòng UAV chiến đấu lớp MALE, tên gọi của dòng UAV có khả năng bay ở độ cao trung bình và thời gian hoạt động dài. Nó có tải trọng tối đa 3 tấn, trong đó một nửa là vũ khí, bay liên tục trong 24 giờ, sử dụng động cơ tua-bin cánh quạt PT-6 do Canada sản xuất.
Aarok có thể mang theo tên lửa và bom dẫn đường chính xác. Hệ thống vũ khí của UAV được thiết kế theo dạng module, cho phép thay đổi khí tài phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm tập kích, trinh sát trên biển và đất liền, chống tàu ngầm.
Loại UAV trên được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng về ngoại hình và chức năng với dòng UAV MQ-9 Reaper của Mỹ, song có sải cánh lớn hơn, tốc độ bay nhanh hơn, còn trần bay lại thấp hơn. Nhà sản xuất đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay thử đầu tiên cho Aarok vào cuối năm nay.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoài, hai bên tham chiến đã thường xuyên sử dụng UAV để tấn công khí tài và các mục tiêu quan trọng của đối phương kể từ đầu chiến sự, do đây là loại vũ khí có giá thành rẻ và dễ sản xuất.
Ông Mykhailo Podolyak - cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, hôm 2/10 kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí phòng không giá thành thấp để đối phó với UAV Nga, do việc sử dụng các tổ hợp sử dụng tên lửa đắt tiền như NASAMS và IRIS-T "không mang lại hiệu quả về kinh tế".
Trong khi đó, Nga gần đây sáng tạo các phương pháp mới nhằm bảo vệ khí tài khỏi đòn tập kích của UAV Ukraine, như lắp tháp hai tầng lên nóc tháp pháo xe tăng T-54, giúp che chắn các vị trí dễ bị tổn thương. Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Nga từng phủ nhiều lốp xe lên thân máy bay quân sự trên đường băng, dường như nhằm bảo vệ chúng khỏi UAV đối phương.
Ukraine sẽ nhận “sát thủ diệt UAV” từ Australia
Business Insider đưa tin, Công ty quốc phòng Australia đã phát triển một loại vũ khí "sát thủ diệt máy bay không người lái" có thể giúp Ukraine đối phó với các cuộc tấn công của Nga với chi phí thấp.
Theo nhà sản xuất Electro Optic Systems, khẩu pháo hạng nhẹ Slinger 30mm có thể được gắn trên xe tải, vận hành bằng cần điều khiển và màn hình đồng thời có khả năng hạ gục máy bay không người lái (UAV) ở khoảng cách 0,8km. Dự kiến 10 hệ thống như vậy sẽ có mặt tại Ukraine vào cuối năm nay.
"Hệ thống này rất dễ sử dụng. Bạn không cần phải biết nhiều về công nghệ. Không khó để biết hệ thống hoạt động như thế nào", kỹ sư Charlotte Capper cho biết.
Ukraine cáo buộc Nga thường xuyên bắn phá các mục tiêu của Ukraine bằng các loại vũ khí tự sát như máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất. Kiev thường xuyên đánh chặn số lượng lớn máy bay không người lái của Moscow với sự trợ giúp của các hệ thống phòng không phương Tây, nhưng đây là biện pháp tốn kém và có lợi cho đối phương.
Việc bắn hạ một máy bay không người lái (có giá từ 20.000-30.000 USD) có thể tốn hàng triệu USD, làm cạn kiệt tài nguyên của Ukraine ngay cả khi nước này ngừng tấn công. Hệ thống tên lửa NASAM do Mỹ cung cấp, được gửi tới Ukraine vào mùa đông năm ngoái, tốn khoảng 500.000 USD để khai hỏa.
"Đôi khi những tên lửa đó trị giá hàng triệu USD được dùng để bắn máy bay không người lái trị giá 20.000 USD. Tất cả là vấn đề chi phí", Đại sứ Ukraine tại Australia Vasyl Myroshnychenko cho biết. Tuy nhiên, hệ thống Slinger có thể giảm chi phí đó một cách đáng kể. Theo ABC, chi phí để bắn hạ một máy bay không người lái bằng Slinger ước tính chỉ khoảng từ 100-1.000 USD.
Phương Uyên (T/h)