Mỹ hoàn thành khóa huấn luyện binh sỹ Ukraine sử dụng hệ thống Patriot
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder hôm qua (30/3) cho biết, Mỹ đã hoàn thành khóa huấn luyện 65 quân nhân Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất.
Phát biểu trước báo giới, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc thông báo 65 lính phòng không Ukraine đã quay trở lại châu Âu, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Những sỹ quan này sẽ phối hợp các chuyên gia phòng không Ukraine khác để sử dụng thiết bị phòng không được cung cấp từ Mỹ, Đức và Hà Lan.
Ông Patrick Ryder cũng cho biết, vào cuối tháng này, hơn 4.000 binh sĩ Ukraine và hai lữ đoàn được trang bị xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe chiến đấu bọc thép Stryker sẽ trở về nước sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tại Đức.
Theo báo cáo, đến nay Mỹ đã đào tạo hơn 7.000 binh sỹ cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, trong khi 26 đồng minh NATO huấn luyện hơn 11.000 binh sỹ khác. Chương trình huấn luyện bắt đầu từ tháng 4/2022 và bao gồm 40 nội dung đào tạo khác nhau trên hơn 20 hệ thống.
Nga và IAEA thảo luận lập vùng an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Ngày 30/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow vẫn đang thảo luận với Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi về ý tưởng thiết lập một khu vực an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do lực lượng Nga kiểm soát ở Ukraine.
Hãng tin TASS của Nga dẫn lời ông Ryabkov phát biểu với báo giới nêu rõ: “Chúng tôi đang thường xuyên liên lạc với ông Grossi, cả trong các chuyến thăm của ông tới Nga và thông qua phái bộ thường trực của chúng tôi tại Vienna (Áo). Mọi việc đang diễn ra nhưng vấn đề chưa đi đến ngã ngũ”.
Theo ông Ryabkov, phía Nga đã nêu quan điểm với ông Grossi và phái đoàn IAEA thăm nhà máy Zaporizhzhia về sự cần thiết lập vùng an toàn và cách thức vận hành, bao gồm cả vấn đề vai trò của IAEA và các thanh sát viên trong toàn bộ quá trình này, cũng như các cách tiếp cận của Nga.
Đây là lần thứ hai của ông Grossi đến địa điểm này. Phát biểu trong chuyến thăm nhà máy Zaporizhzhia, ông Grossi nhấn mạnh sự cần hành động để ngăn chặn một thảm họa. Ông cho biết tình hình an ninh tại nhà máy Zaporizhzhia chưa có dấu hiệu cải thiện, đồng thời bày tỏ hy vọng Nga và Ukraine có thể đạt được nhất trí về các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho nhà máy.
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu với tổng cộng 6 lò phản ứng. Nhà máy này đã hứng chịu nhiều cuộc pháo kích, gây lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy này.
Minh Hạnh (T/h)