Ukraine có thể tấn công sâu 2.500 km vào Nga
"Kẻ thù không ngồi yên. Bây giờ máy bay không người lái của họ có thể di chuyển quãng đường lên tới 2.500 km và nhiều vùng ở Nga đã thấy điều này", hãng thông tấn Tass mới đây dẫn lời ông Dmitry Bogdanov - người đứng đầu bộ phận tác chiến điện tử của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Tuy nhiên, ông Bogdanov tuyên bố Nga đã triển khai mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thủ đô Moskva trước những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine, trong khi nhiều vùng khác cũng nỗ lực củng cố hệ thống phòng thủ. Nga kể từ đầu năm hứng chịu nhiều đợt tấn công của UAV Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng lọc dầu quan trọng và các khu vực khác.
Ukraine không xác nhận hay phủ nhận việc tấn công nhà máy lọc dầu ở Nga, song nói rằng những địa điểm như vậy là mục tiêu hợp pháp. Kiev giải thích những cơ sở này đóng góp nhiều cho cỗ máy quân sự của Moskva vào thời điểm Nga cũng tăng cường tập kích cơ sở hạ tầng Ukraine, đặc biệt là hạ tầng năng lượng.
Nguồn tin ở Kiev ngày 27/5 cho biết một UAV của Ukraine đã nhắm mục tiêu hệ thống radar quân sự cảnh báo sớm của Nga ở Orenbug, cách khu vực gần nhất mà Ukraine kiểm soát khoảng 1.500 km. Đây được cho là một trong những nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga sâu nhất của Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát cuối tháng 2/2022. Nga chưa xác nhận thông tin về vụ tấn công.
Trong khi đó, phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuần trước cho biết đất nước của ông đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ hạ tầng năng lượng trước nguy cơ bị tấn công bằng UAV, trong đó có lắp đặt lưới chống UAV tại những cơ sở quan trọng.
Ba Lan ủng hộ Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí viện trợ
Hãng tin RT dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk cho biết nước này không phản đối việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây, bao gồm cả vũ khí do Ba Lan cung cấp để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Bình luận của ông Tomczyk được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây vẫn chưa thể thống nhất việc vũ khí tầm xa viện trợ cho Ukraine có thể được sử dụng để tấn công Nga hay không. Một số lãnh đạo châu Âu lập luận rằng không nên có lệnh cấm sử dụng vũ khí phương Tây trong khi những người khác, đặc biệt là Mỹ, nhấn mạnh rằng hạn chế này là cần thiết để ngăn chặn xung đột leo thang.
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh ZET, Thứ trưởng Tomczyk nhấn mạnh rằng “không có hạn chế nào đối với vũ khí Ba Lan cung cấp cho Ukraine” và lập luận rằng các nước phương Tây khác cũng nên dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí mà họ đã chuyển giao cho Kiev.
Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng các thành viên khối nên cho phép Kiev sử dụng vũ khí để tấn công sâu hơn vào Nga, cho rằng việc duy trì lệnh cấm như vậy đồng nghĩa với việc Ukraine không có khả năng tự vệ.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics cũng đã đồng ý dỡ bỏ hạn chế mục tiêu tấn công của vũ khí viện trợ, ông cho rằng “không có lý do phù hợp nào để ngăn cản Ukraine sử dụng những vũ khí này chống lại Nga theo cách hiệu quả nhất”.
Nga đã nhiều lần kịch liệt lên án khả năng vũ khí phương Tây được sử dụng để chống lại Nga. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng ông Stoltenberg đã vượt quá thẩm quyền của mình khi kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm.
Trong một tuyên bố ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, các nước phương Tây nên biết rằng các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào Nga bằng vũ khí phương Tây sẽ thể hiện sự leo thang nghiêm trọng của cuộc xung đột.