Nga nêu điều kiện nối lại nguồn cung điện cho Ukraine
Hôm 28/10, trên Telegram, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng, tình hình cung cấp điện ở Ukraine sẽ được cải thiện nếu Kiev đáp ứng các yêu cầu của Nga.
"Để ổn định nguồn cung cấp năng lượng đòi hỏi Ukraine phải thừa nhận tính hợp pháp theo các yêu cầu của Nga trong khuôn khổ hoạt động quân sự đặc biệt. Khi đó, tình hình cung cấp điện cho Ukraine sẽ trở nên tốt hơn", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói, đề cập quyết định nhập khẩu điện từ Slovakia của chính quyền Ukraine.
Ông Medvedev tin rằng"việc chính quyền Kiev mua điện từ Slovakia sẽ khiến giá năng lượng tăng đối với cả người dân châu Âu và Ukraine. Điều này sẽ không mang lại sự ổn định như mong muốn của hệ thống cung cấp điện Ukraine".
Hôm 30/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hiệp ước thông qua việc sáp nhập 4 vùng miền Đông Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/9.
Lãnh đạo Nga kêu gọi chính quyền Ukraine tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, và khẳng định đây là con đường để đi đến hòa bình; đồng thời nhấn mạnh rằng sẵn sàng nối lại đàm phán một lần nữa nếu Kiev ngừng các hành động thù địch.
Trong hai tuần qua, quân đội Nga liên tục phóng tên lửa hành trình tầm xa và máy bay không người lái (UAV) tập kích các mục tiêu ở Ukraine, chủ yếu là cơ sở hạ tầng điện lực.
Trong đợt tập kích của Nga, tên lửa, UAV không tấn công vào các nhà máy điện vốn được bảo vệ tốt bằng các hệ thống phòng không. Thay vào đó, chúng nhắm nhiều hơn vào các trạm truyền tải quan trọng, có nhiệm vụ giữ cho lưới điện hoạt động và cung cấp năng lượng cho các dịch vụ trọng yếu.
Các đợt tấn công được thực hiện một cách có tính toán và gây thiệt hại nghiêm trọng. Giới chức phương Tây và Ukraine cho biết, chúng được chỉ đạo bởi các chuyên gia điện lực, những người biết chính xác mục tiêu nào sẽ gây tổn thất lớn nhất cho lưới điện và khoét sâu thêm nỗi đau năng lượng của Kiev.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng, các cuộc tập kích liên tục của Nga đã phá hủy 30% cơ sở hạ tầng điện trên khắp nước này.
Ukraine vẫn có thể sản xuất đủ điện cho nhu cầu trong nước và thậm chí còn xuất khẩu cho các nước láng giềng châu Âu. Tuy nhiên, khả năng truyền tải điện từ các nhà máy, chủ yếu ở miền bắc và miền tây, đến những nơi cần thiết ở chiến tuyến ở miền nam và miền đông đã sụt giảm nhanh chóng do hệ thống lưới điện bị phá hủy.
Nga tuyên bố hoàn tất động viên 300.000 quân nhân
Đại tướng Sergey Shoigu, Bộ Trưởng Quốc phòng Nga ngày 28/10 báo cáo trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin rằng việc động viên 300.000 quân nhân đã hoàn tất. Cụ thể, ông Shoigu cho biết: "Nhiệm vụ động viên 300.000 quân nhân đã hoàn thành, chưa có hoạt động bổ sung nào được lên kế hoạch".
Tướng Shoigu thông báo 218.000 tân binh đang được huấn luyện, 82.000 quân nhân đã hoàn thành và được triển khai tới "khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt", trong đó 41.000 người được biên chế vào các đơn vị Nga tại Ukraine. Độ tuổi trung bình của các quân nhân Nga trong đợt động viên này là 35.
Tướng Shoigu khẳng định quân đội Nga sẽ chỉ chấp nhận đơn xin nhập ngũ của những người tình nguyện. "Hơn 27.000 nhân sự tại các doanh nghiệp cùng 13.000 công dân không chờ lệnh triệu tập và bày tỏ nguyện vọng hoàn thành nghĩa vụ. Họ nhập ngũ với tư cách những người xung phong", tướng Shoigu nói.
Tổng thống Putin sau đó gửi lời cảm ơn những người đã gia nhập lực lượng vũ trang Nga vì "sự trung thành với nghĩa vụ, lòng yêu nước, quyết tâm kiên định bảo vệ Tổ quốc Nga của chúng ta. Đó là ngôi nhà, gia đình của họ".
Ông Putin đưa ra nhiệm vụ chính cho quân đội Nga là cung cấp trang bị cho các quân nhân được động viên, cũng như huấn luyện và phối hợp cùng họ để "mọi người cảm thấy tự tin nếu cần tham chiến trực tiếp".
Tổng thống Putin cũng thừa nhận lệnh động viên một phần gặp một số khó khăn và xảy ra sai sót, do quyết định này chưa được đưa ra tại Nga trong thời gian dài. Ông yêu cầu quân đội Nga "rút ra kết luận cần thiết để hiện đại hóa toàn bộ hệ thống làm việc của các cơ quan đăng ký và tuyển quân".
Nga ngày 21/9 phát lệnh động viên một phần, triệu tập lực lượng dự bị khoảng 300.000 người chủ yếu là quân nhân giải ngũ, có chuyên môn và kinh nghiệm quân sự. Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân kể từ sau Thế chiến II.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo miễn trừ lệnh động viên một phần với một số nhân viên công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính và các nhân sự tại những cơ sở truyền thông đại chúng "quan trọng về mặt hệ thống". Cơ quan này cho biết hơn 200.000 người đã nhận lệnh nhập ngũ sau hai tuần.
Giới chuyên gia và quân sự phương Tây cho rằng lệnh động viên một phần của Nga khó mang lại tác động đáng kể tới cục diện chiến trường Ukraine. Họ cũng cho rằng quân đội Nga đối mặt thách thức lớn về hậu cần và hành chính khi huy động 300.000 quân nhân với quyết định này.
Lệnh động viên một phần cũng mang lại những cảm xúc lẫn lộn trong dân chúng Nga, khi nhiều người tỏ ra lo lắng và thậm chí tìm cách ra nước ngoài. Trong khi đó, nhiều người khẳng định sẵn sàng tham gia chiến dịch tại Ukraine, tuyên bố họ không sợ hãi và sẵn sàng sát cánh cùng đất nước.
Minh Hạnh (T/h)