Mỹ nêu khó khăn trong viện trợ Ukraine
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc Washington viện trợ vũ khí và tiền bạc cho chính quyền Kiev gặp trở ngại là do nạn tham nhũng hoành hành ở Ukraine.
Bản báo cáo đăng trên trang web của Văn phòng Tổng Thanh tra thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây chỉ ra rằng, tình trạng tham nhũng trong chính quyền Ukraine cũng như một số lĩnh vực tư nhân “đang gây rủi ro đối với tính hiệu quả trong vấn đề viện trợ cho nước ngoài của Mỹ”.
“Chúng tôi đang xem xét các chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ về những hoạt động chống tham nhũng ở Ukraine và các quốc gia láng giềng, để quyết định xem những yêu cầu trong việc chống tham nhũng có được thực hiện và giám sát theo yêu cầu của Liên bang và Bộ hay không”, báo cáo viết.
Kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 43 tỷ USD viện trợ quân sự. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 25/7 đã công bố gói viện trợ thứ 43 với trị giá 400 triệu USD tới Kiev. Gói này bao gồm tên lửa phòng không, xe bọc thép, vũ khí chống tăng và máy bay không người lái nhỏ siêu nhỏ.
Trước đó, Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cũng nhận định rằng cuộc phản công của Ukraine vẫn đang tiến triển đồng thời cho biết Washington sẽ "đảm bảo rằng Ukraine có đủ các loại công cụ và khả năng cần thiết để tiếp tục tiến lên".
Ông Putin ủng hộ sáng kiến hoà bình Ukraine của châu Phi
Phát biểu tại cuộc họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ II ngày 28/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng châu Phi đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế đang tăng lên.
"Chúng ta đang chứng kiến châu Phi trở thành một trung tâm quyền lực mới. Vai trò chính trị và kinh tế của châu lục này đang tăng lên theo cấp số nhân”, ông Putin nói.
Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ ủng hộ sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi về Ukraine, khẳng định tôn trọng và sẽ xem xét kỹ lưỡng các sáng kiến của châu Phi về giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói rằng Moscow sẵn sàng hợp tác với các hiệp hội ở khu vực châu Phi.
Ông Putin nhận định khủng bố, sự lan rộng của tư tưởng cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia và cướp biển đã cản trở sự phát triển của châu Phi. Nga sẽ hỗ trợ để chống lại những mối đe dọa này, tiếp tục đào tạo quân nhân và nhân viên thực thi pháp luật của các nước châu Phi tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt của Nga.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đang diễn ra tại thành phố St. Petersburg trong hai ngày 27-28/7. Hội nghị có sự tham dự của 49 phái đoàn châu Phi, với 17 chính phủ được đại diện bởi các nguyên thủ quốc gia.
Phương Uyên(T/h)