Nga bao vây thành phố chiến lược Bakhmut
Ông Apty Alaudinov, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Akhmat ở Lugansk cho biết quân đội Nga đã bao vây thành phố Bakhmut, chặn đứng gần như toàn bộ các đường mà lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng.
Theo ông, quân đội Ukraine chỉ còn kiểm soát một tuyến đường duy nhất, nhưng các lực lượng Nga sẽ sớm giành lấy khu vực này.
Trước đó có thông tin cho rằng quân đội Ukraine đang triển khai lực lượng bổ sung tới Bakhmut trong bối cảnh họ vừa hứng chịu tổn thất lớn ở ngoại ô thành phố này.
Ngoài ra, các nguồn tin cho biết phía Nga cũng đã nắm quyền kiểm soát nhà máy sản xuất rượu sâm panh địa phương, một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành ở Đông Âu.
Ông Apty Alaudinov - Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 của Dân quân Lugansk - cũng tuyên bố rằng việc phương Tây cung cấp xe tăng cho Ukraine sẽ không gây tác động mạnh đến tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động. Tho ông, nếu xe tăng của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có đủ sức mạnh để xoay chuyển tình thế thì chúng đã sớm được gửi đi từ những tháng đầu tiên của cuộc xung đột.
Khu vực xung quanh Bakhmut, với dân số trước chiến tranh là 70.000 người, đã chứng kiến những đợt giao tranh khốc liệt nhất trong cuộc xung đột kéo dài 11 tháng qua ở Ukraine. Thành phố này có tầm quan trọng nhất định đối với cả Nga và Ukraine, mặc dù các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng nó nắm giữ ít ý nghĩa chiến lược.
Ukraine đối mặt thách thức hậu cần lớn khi nhận xe tăng phương Tây
Các mẫu xe tăng mà phương Tây cam kết viện trợ cho Ukraine đều là hỏa lực có giá trị đối với Kiev, nhưng lại là thách thức không hề nhỏ trong việc mua sắm đạn dược, huấn luyện lực lượng vận hành, cũng như việc tổ chức hậu cần cho nhiều hệ thống vũ khí cùng lúc.
Khi xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài gần 1 năm, các đồng minh phương Tây cuối cùng cũng đồng ý gửi xe tăng chiến đấu cho Kiev. Lô đầu tiên sẽ gồm khoảng 40 xe tăng, trong đó có xe tăng Leopard phiên bản 2A6 mới hơn của Đức, dự kiến được chuyển tới Ukraine trước mùa xuân.
Tuy nhiên, gói viện trợ lớn hơn mà Mỹ và các quốc gia châu Âu cam kết trong tuần này bao gồm nhiều mẫu xe tăng, mỗi mẫu có thời gian bàn giao khác nhau và các rào cản hậu cần riêng biệt. Các chuyên gia quân sự nhận định chưa rõ xe tăng phương Tây có đem lại hiệu quả quyết định trên chiến trường hay không, trong khi quân đội Ukraine cũng cần được huấn luyện sử dụng chúng.
Việc viện trợ nhiều hệ thống khác nhau khiến vấn đề hậu cần trở nên vô cùng phức tạp, theo ông Sonny Butterworth, một chuyên gia về xe tăng tại công ty tình báo quốc phòng Janes.
Challenger 2 của Anh sử dụng đạn dược khác với tiêu chuẩn NATO, còn khi nói đến Leopard 2, sẽ có sự khác biệt không dễ thấy trong các kho lưu trữ của mỗi quốc gia châu Âu cho dù chúng cùng mẫu. Theo các chuyên gia, một chiếc Leopard A4 của Tây Ban Nha có hệ thống radio hoặc kiểm soát hỏa lực khác với mẫu của Phần Lan, dù chúng vẫn có khả năng tương tác một cách cần thiết.
“Ukraine sẽ vận hành một số loại thiết bị khác nhau và họ sẽ phải đối mặt với việc cung cấp phụ tùng thay thế phù hợp đến đúng đơn vị vận hành”, ông Butterworth cho hay.
Theo ông, Ukraine dựa vào các xe tăng chiến đấu T-72 cũ của Liên Xô và có thể cảm thấy họ chỉ cần phần cứng để chống lại Nga và theo kịp nhịp độ trên chiến trường. Nhưng về lâu dài, việc vận hành nhiều loại xe tăng có thể tạo ra những khó khăn lớn hơn về hậu cần.
Quyết định của Mỹ gửi xe tăng Abrams tới Ukraine - mặc dù không phải trong nhiều tháng - đem lại vũ khí mạnh mẽ cho lực lượng Ukraine trong thời gian ngắn. Nhưng nó cũng có thể gây ra sự hỗn loạn nếu không có sự hỗ trợ và bảo trì hậu cần thích hợp.
Một quan chức Mỹ hiểu rõ về những cân nhắc đằng sau quyết định viện trợ xe tăng Abrams nói rằng, trong khi các lực lượng Ukraine đã thể hiện khả năng đáng kể trong việc bảo trì thiết bị của Mỹ trên chiến trường, việc vận hành xe tăng Abrams đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm cả việc huấn luyện sẽ diễn ra bên ngoài Ukraine.
Minh Hạnh (T/h)