Ukraine chuyển hướng chiến lược nhằm trụ vững trong năm 2024
Theo báo Tin tức, khi cuộc xung đột sắp sửa tròn 2 năm vào ngày 24/2 tới, triển vọng quân sự của Ukraine dường như đang mờ nhạt. Họ đã từ bỏ hy vọng về một chiến thắng nhanh chóng và thay vào đó đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài.
Một quan chức phương Tây làm việc về chính sách Ukraine tin rằng “có rất ít triển vọng về một bước đột phá trong hoạt động của cả hai bên trong cả năm 2024”, chứ đừng nói đến trong vài tháng tới. Thực tế này đã được thừa nhận ở Kiev - nơi Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố vào đầu tháng 12/2023 rằng “một giai đoạn mới” đã bắt đầu. Sau khi thất bại với kế hoạch tái chiếm các khu vực rộng lớn ở phía nam, ông Zelensky đã ra lệnh cho quân đội xây dựng các pháo đài phòng thủ mới.
Quan chức phương Tây nói rằng chiến lược “phòng thủ tích cực” – duy trì các tuyến phòng thủ nhưng thăm dò các điểm yếu của địch để khai thác cùng với các cuộc không kích tầm xa – sẽ cho phép Ukraine “củng cố lực lượng” trong năm nay và chuẩn bị cho năm 2025, khi một cuộc phản công sẽ có cơ hội tốt hơn.
Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể quyết định vận mệnh của Ukraine. Nổi bật nhất trong số đó là sự bất ổn xung quanh vai trò hỗ trợ quân sự của phương Tây, bao gồm cả đạn dược mà Ukraine đang tiêu thụ. Lúc này, quyết tâm của phương Tây và liệu các đồng minh có thể và sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine hay không, ở mức độ nào, vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ.
Mối quan tâm lớn nhất nằm ở Washington, nơi Nhà Trắng mới tuyên bố đợt viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự cuối cùng cho Ukraine vào ngày 27/12/2023. Mặc dù các quốc gia châu Âu, bao gồm Anh và Đức, đang cung cấp một số hỗ trợ tài chính, nhưng Mỹ vẫn là nhà cung cấp hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Nhưng các đảng viên Cộng hòa cánh hữu tại Quốc hội Mỹ đang cản trở hàng chục tỷ USD tài trợ quân sự trong tương lai cho Kiev. Và sẽ không còn sự hỗ trợ nào nữa cho đến khi Quốc hội hành động.
EU khó chuyển hàng tỷ USD đóng băng của Nga cho Ukraine
Báo Dân trí đưa tin, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ sẽ không thể tịch thu các khoản tiền của Ngân hàng Trung ương Nga để chuyển cho Ukraine. Nguồn tin nói rằng, các thành viên trong khối không thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới bước đi rủi ro này.
Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản nhà nước của Nga vào năm 2022 sau khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát. Kiev đã nhiều lần kêu gọi phương Tây tịch thu số tiền này và giao lại cho Ukraine. "Việc tịch thu tài sản của Nga sẽ không xảy ra. Không có thỏa thuận nào về vấn đề này giữa các quốc gia thành viên EU", nguồn cho hay.
Việc tịch thu tài sản như vậy sẽ được xem là chưa từng có tiền lệ. Nó cũng có thể khiến các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới lo ngại rằng tiền của họ sẽ không an toàn ở EU. Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent van Peteghem nói với các phóng viên: "Chúng tôi cần phải hết sức thận trọng với đề xuất đó. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là những gì được đưa lên bàn đàm phán phải hợp lý về mặt pháp lý và chúng ta nên tránh bất kỳ tác động nào đến sự ổn định tài chính."
Trong khi đó, ngoại trưởng Luxembourg Xavier Bettel nói với Reuters rằng ông "rất thận trọng" về việc tịch thu tài sản của Nga vì lo ngại những hậu quả về mặt pháp lý. Một mối lo ngại khác của EU là hầu hết tài sản hiện đang bị đóng băng của Nga - khoảng 200 tỷ USD - đều nằm ở Trung tâm thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ. Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh Moscow có quyền tiếp cận 288 tỷ USD tài sản của phương Tây, phần lớn trong số đó thuộc về Euroclear.
Nếu các động thái tịch thu tài sản ăn miếng, trả miếng xảy ra, Euroclear sẽ gặp thách thức lớn và EU có thể phải hứng chịu hậu quả. Các tài sản bị phong tỏa của Nga vẫn đang tạo ra lãi suất và Ủy ban châu Âu hồi tháng trước đã đề xuất tịch thu số tiền đó và chuyển chúng sang Ukraine, đồng thời giữ nguyên tiền gốc. Theo Reuters, con số này có thể lên tới 17 tỷ euro (18,5 tỷ USD) trong 4 năm tới.
Phương Uyên (T/h)