IAEA không thể xác định ai đã tấn công nhà máy Zaporozhye
Theo Bộ Quốc phòng Nga, khoảng 30 quả đạn đã nã vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (ZNPP) cuối tuần qua. Moscow cho biết rõ ràng các quả đạn xuất phát từ thị trấn Marganets do Ukraine kiểm soát, nhưng IAEA đã không nêu bất kỳ cái tên nào.
Nga đã kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thực hiện đúng công việc của mình và thừa nhận rằng vụ pháo kích đến từ phía Ukraine.
“Chúng tôi không có cách nào để xác định ai đã thực hiện các vụ tấn công”, ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cho biết ngày 21/11.
“Chúng tôi muốn các cuộc tấn công này dừng lại”, ông Haq nói thêm, lưu ý rằng Ban thư ký “chia sẻ mối quan ngại” của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi và “cùng ông kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn” xung quanh ZNPP.
Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ tháng 2. Rosatom cảnh báo, các thùng chứa nhiên liệu đã qua sử dụng bị hư hỏng có nguy cơ giải phóng chất phóng xạ vào khí quyển, với những hậu quả khó lường.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đều nói rằng IAEA nên thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình và nêu tên kẻ đã tấn công nhà máy Zaporizhzhia.
Các cuộc tấn công cuối tuần qua là sự cố lớn đầu tiên tại ZNPP kể từ đầu tháng 9, khi IAEA bố trí các quan sát viên thường trực tại địa điểm này.
Theo quan chức Rosatom, Renat Karchaa, ngày 21/11, các thanh sát viên của IAEA đã khảo sát thiệt hại cùng với một chuyên gia đạn đạo của Nga, và có thể thấy rằng cuộc tấn công đến từ phía Ukraine.
Tổng thư ký NATO kêu gọi thành viên 'hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài'
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sẽ cần tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Kiev và "phải chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Ukraine trong một thời gian dài".
"Tất cả chúng ta đều muốn cuộc xung đột này kết thúc. Cuộc xung đột này rất có thể sẽ kết thúc ở một giai đoạn nào đó trên bàn đàm phán. Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng kết quả của những cuộc đàm phán đó hoàn toàn phụ thuộc vào cục diện trên chiến trường”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm 21/11.
“Vì vậy, nếu chúng ta muốn một kết quả có thể chấp nhận được đối với Ukraine… thì cách tốt nhất là cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev", ông Jens Stoltenberg nói.
Ông Jens Stoltenberg cho biết các thành viên NATO "phải chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài", đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp tiếp tục ủng hộ viện trợ nhiều hơn cho Kiev ở chính quốc gia của họ.
Tổng thư ký NATO thừa nhận sự hỗ trợ này là thách thức đối với các thành viên NATO. “Ở các quốc gia NATO, nhiều người phải đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Hóa đơn năng lượng và thực phẩm đang tăng lên. Đây là thời điểm khó khăn đối với nhiều người", ông Jens Stoltenberg nói.
Tuy nhiên, Ông Jens Stoltenberg lập luận rằng các nước phương Tây sẽ phải trả “cái giá đắt hơn nhiều” nếu Nga giành được lợi thế từ cuộc xung đột này. Điều này sẽ khiến "thế giới nguy hiểm hơn".
Ông Stoltenberg cũng cảnh báo, “sẽ là một sai lầm lớn nếu đánh giá thấp Nga” bởi Moskva “vẫn duy trì năng lực quân sự đáng kể và số lượng binh sĩ lớn”.
Các quan chức cấp cao của Nga nhiều lần cho biết Moskva sẵn sàng đàm phán giải quyết vấn đề với Ukraine, đồng thời cáo buộc Kiev không sẵn sàng đối thoại và cố tình đưa ra điều kiện đối thoại phi thực tế.
Nga mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là "cuộc chiến ủy nhiệm" do Mỹ và NATO tiến hành chống lại nước này. Moskva liên tục chỉ trích việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ kéo dài chiến sự và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Minh Hạnh(T/h)