Mỹ giảm viện trợ đạn pháo, Ukraine gặp "rắc rối lớn"
Báo Dân trí dẫn nguồn từ ABC News cho biết, một quan chức Ukraine mới đây tiết lộ Washington đã cắt giảm nguồn cung cấp đạn dược quan trọng theo tiêu chuẩn NATO cho Ukraine "hơn 30%" kể từ khi xung đột với Israel - Hamas bùng phát đầu tháng trước.
"Đạn pháo 155mm được cho là loại đạn dược quan trọng nhất đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga, và một phần kho dự trữ của Mỹ, vốn dành cho lực lượng Ukraine, đã được chuyển sang Israel", nguồn tin nói.
Trong những tuần gần đây, giới chức Mỹ nhiều lần nói rằng, việc Washington chuyển vũ khí cho Israel sẽ không gây ra bất cứ tác động nào tới chiến sự ở Ukraine.
"Các quan chức Mỹ nói với chúng tôi rằng nó sẽ không ảnh hưởng tới cam kết của Mỹ, nhưng nó đã ảnh hưởng", quan chức Ukraine thừa nhận đồng thời cho biết nguồn cung cấp những quả đạn pháo 155mm chiếm "khoảng 60-70% tổng nguồn cung của Ukraine".
Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với ABC News rằng việc cắt giảm đạn dược cho Ukraine "hoàn toàn không liên quan gì đến những gì đang xảy ra ở Gaza".
Ngoài ra, quan chức Ukraine cũng bày tỏ lo ngại rằng tình trạng bế tắc tại Quốc hội Mỹ có thể đồng nghĩa với việc nguồn cung vũ khí cho Ukraine sẽ bắt đầu cạn kiệt. "Chúng tôi đang gặp rắc rối lớn. Đạn dược cơ bản sẽ không được cung cấp", người này nói và cảnh báo rằng nếu tình hình tiếp tục xấu đi, Ukraine có nguy cơ mất vị thế trên chiến trường "với một cái giá rất đắt".
Cuối tuần qua, Tổng thống Joe Biden đã ký dự luật chi tiêu tạm thời sau khi được Thượng viện thông qua một ngày trước đó. Khoản ngân sách được phân bổ có phần hạn chế, chỉ có thể giúp Mỹ ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ đến đầu năm 2024 và sẽ không có gói viện trợ dành cho Ukraine.
Trong khi đó, Cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak cho biết, những vũ khí mà phương Tây hứa viện trợ cho Kiev lẽ ra nên chỉ mất 1 tuần để bàn giao, tuy nhiên trên thực tế việc vận chuyển đã bị trì hoãn trong nhiều tháng. Ông đồng thời cảnh báo việc phương Tây chậm chuyển vũ khí sẽ cho phép Nga có đủ thời gian để chuẩn bị phòng thủ chiến lược và Moscow sẽ có khả năng phòng vệ tốt hơn khi vũ khí được giao tới cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky thừa nhận không thể cô lập Nga
VTC News trích nguồn tin từ hãng tin RT cho biết, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Sun của Anh hôm 20/11, Tổng thống Volodymyr Zelensky tin rằng Nga "sẽ tiếp tục hoạt động quân sự ở Ukraine cho đến khi Mỹ và Trung Quốc cùng yêu cầu Moscow rời khỏi lãnh thổ Ukraine một cách nghiêm túc".
Ông Zelensky thừa nhận Nga không cảm thấy “sợ hãi” trước áp lực từ bên ngoài vì đến nay nước này đã tránh được phản ứng dữ dội của toàn thế giới. Trong khi hầu hết các nước phương Tây bao gồm cả Mỹ, lên án hoạt động quân sự của Nga chống lại Kiev, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có thì Trung Quốc và nhiều nước ở Nam Bán cầu lại giữ lập trường trung lập và duy trì nguyên vẹn mối quan hệ với Moscow.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga khi Moscow vẫn tham gia nhiều hội nghị thượng đỉnh và sự kiện toàn cầu. Theo ông Lavrov, nhiều nước trên thế giới không muốn bị phương Tây áp đặt chính sách đối ngoại.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với tờ The Sun, Tổng thống Zelensky thẳng thừng bác mọi ý tưởng tiến hành đàm phán hòa bình với Nga bất chấp tình hình khó khăn của quân đội Ukraine trên chiến trường.
"Trên chiến trường có khó khăn không? Có. Vậy có kết bạn hay ngồi vào bàn ngoại giao bây giờ với Nga? Không!", ông nói, cho rằng Nga chưa sẵn sàng ngừng chiến đấu. Ông cũng thừa nhận Ukraine đối mặt “rất nhiều thách thức” và Kiev “cần kết quả cụ thể trên chiến trường” để kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ.
Bình luận của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine chống lại Nga diễn ra từ đầu mùa hè nhưng không đạt được kết quả. Moscow ước tính 90.000 quân Ukraine thiệt mạng kể từ khi bắt đầu chiến dịch phản công.
Trong khi đó, đầu tháng này NBC đưa tin, các quan chức phương Tây đang đàm phán với Ukraine để xem liệu nước này có thể xem xét một số nhượng bộ đối với Nga để chấm dứt xung đột hay không. Phương Tây ngày càng lo ngại trước việc Ukraine “hết binh lực" để chiến đấu.
Phương Uyên(T/h)