Ukraine nêu điều kiện đàm phán ngừng bắn với Nga
"Sẽ không có cuộc đàm phán ý nghĩa nào nếu Nga còn tiếp tục kiểm soát lãnh thổ (Ukraine), bao gồm Crimea", ông Oleksii Danilov - Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Kyodo News của Nhật Bản hôm 21/10.
Ông Danilov chắc chắn rằng "tình hình về cơ bản sẽ thay đổi" khi máy bay chiến đấu F-16 của phương Tây được chuyển tới Ukraine, nhưng thừa nhận rất khó dự đoán sẽ mất bao lâu để giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Mặc dù Ukraine đã ký một thỏa thuận không chính thức về việc không sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng ông Danilov tuyên bố các cơ sở xung quanh Moscow có thể trở thành mục tiêu của vũ khí sản xuất tại Ukraine.
Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ sau cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3 năm ngoái. Tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra "không thực tế".
Trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc mới đây, Tổng thống Putin một lần nữa nhấn mạnh Nga không bao giờ phản đối giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cáo buộc Ukraine đã lật ngược thỏa thuận vào phút chót và chưa thực sự sẵn sàng đàm phán.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.
Ukraine thất thoát 1/3 hàng viện trợ nhân đạo cho quân đội
Tờ Kyiv Independent ngày 21/10 cho biết, 1/3 chuyến hàng viện trợ nhân đạo quyên góp cho quân đội Ukraine trong năm qua đã không tới được mục tiêu cần thiết.
Theo báo cáo của Hải quan và Bộ Quốc phòng Ukraine, đã có 9.000 chuyến hàng viện trợ nhân đạo được gửi tới 200 quân đơn vị trong năm 2023. Tuy vậy, họ không thể tìm được tung tích của 3.000 chuyến hàng trong số này.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh phương Tây yêu cầu Kiev nhanh chóng loại bỏ tình trạng tham nhũng và minh bạch hơn với viện trợ nước ngoài. Đầu năm nay, Hải quan Ukraine từng ghi nhận 653 trường hợp hàng viện trợ nhân đạo quân sự bị thất thoát. Các lô hàng mất tích bao gồm áo giáp, kính nhìn đêm, UAV và xe quân sự.
Trước đó, ngày 20/10, Đức thông báo đã thực hiện một đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong tuần qua. Cụ thể, Kiev đã nhận được 40 UAV, 6 xe công binh, 13 xe tuần tra và gần 3.900 quả đạn pháo khói DM125. Bên cạnh đó, 3 pháo phòng không tự hành Gepard cũng được chuyển giao trong đợt viện trợ này.
Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng Đức dự kiến sẽ công bố một gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm tổ hợp phòng không Patriot, hệ thống phòng không Iris-T mới, pháo phòng không Gepard và đạn dược.
Ngoài ra, hãng tin DPA cho hay ông Jochen Flasbarth - quan chức thuộc Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế của Đức cũng cam kết Berlin sẽ cung cấp thêm 200 triệu euro để hỗ trợ Kiev khôi phục hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nguồn cung cấp nước uống và tái thiết các thành phố.
Khi ở Kiev, ông Flasbarth cũng được cho là đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Ukraine, chẳng hạn như nông nghiệp, vì người dân “cần triển vọng và việc làm”.
Phương Uyên (T/h)