Tướng Mỹ nói vùng Donbas của Ukraine "chưa mất"
Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc sau cuộc họp trực tuyến với Nhóm Liên lại Ukraine ngày 20/7 (giờ địa phương), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói rằng vùng Donbas hiện "chưa mất".
Ông chia sẻ: "Điểm mấu chốt là chi phí bỏ ra rất cao và những gì thu được rất thấp, có một cuộc chiến tiêu tốn nhiều nguồn lực đang diễn ra ở vùng Luhansk, Donbas. Để trả lời câu hỏi của bạn về việc 'Donbas có bị mất không?' Không, khu vực này vẫn chưa mất. Ukraine đang bắt Nga phải trả giá cho mỗi phần lãnh thổ mà họ giành được".
Theo ông Milley, sự thay đổi về lãnh thổ giữa lực lượng Ukraine và lực lượng Nga ở khu vực Donbas "được tính bằng hàng trăm mét theo nghĩa đen".
Ông nói với các phóng viên rằng các lực lượng Nga đã giành được "rất rất rất ít" lãnh thổ, đồng thời lưu ý rằng cuộc xung đột hiện nay đang rất khốc liệt.
Ông nhận xét: "Tình hình rất dữ dội, rất nhiều bạo lực - hàng chục nghìn phát đạn pháo được phóng ra mỗi 24 giờ, rất nhiều thương vong cho cả hai bên, rất nhiều làng mạc bị tàn phá...".
Mục tiêu của Nga hiện nay vượt ra ngoài khu vực Donbas
Một bộ trưởng chính phủ cấp cao cho biết, các mục tiêu của Nga ở Ukraine hiện đã vượt ra ngoài khu vực Donbas phía Đông và mở rộng ra phía Nam nước này.
Cụ thể, khi xung đột ở Ukraine bước sang tháng thứ 5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã trao đổi với truyền thông nhà nước rằng "vị trí địa lý là khác nhau". Trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, ông Lavrov nói: "Chiến dịch này không chỉ là về DPR (Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng) và LPR (Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưgn) mà còn là Khu vực Kherson, Khu vực Zaporizhzhia và một số vùng lãnh thổ khác. Và quá trình vẫn đang tiếp tục được thực hiện, tiếp tục diễn ra đều đặn và bền bỉ".
Phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov đã cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Điện Kremlin đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
Chỉ ba tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển các nỗ lực quân sự sang phía Đông Ukraine sau giai đoạn đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Đầu tháng này, các lực lượng Nga đã làm theo lệnh của ông Putin và giành được quyền kiểm soát Lysychansk, qua đó kiểm soát phần lớn Luhansk. Theo đó, nhiều người dự đoán mục tiêu tiếp theo của Nga sẽ là vùng Donetsk lận cận.
Nếu Donetsk thất thủ, Moscow sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine, nơi các phe ly khai hoạt động từ năm 2014.
Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí hiện đại do Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine trong thời gian gần đây đã củng cố sức mạnh của quân đội Ukraine để đẩy lùi các đợt tấn công của Nga - một yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề mới cho Moscow.
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng nếu phương Tây tiếp tục cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tầm xa hơn, bao gồm cả Hệ thống tên lửa pháo cơ động cao (HIMARS), các mục tiêu địa lý của Nga ở Ukraine sẽ xa rời chiến tuyến hiện tại.
Ông nói: "Chúng tôi không thể cho phép bất kỳ vũ khí nào ở phần lãnh thổ Ukraine do Tổng thống Volodymyr Zelensky kiểm soát, hoặc bất kỳ ai sẽ thay thế ông ta, gây ra mối đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ của chúng tôi hoặc lãnh thổ của các nước cộng hòa đã tuyên bố độc lập, cũng như những nước muốn xác định tương lai của họ một cách độc lập".
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: "Tổng thống đã nói rất rõ ràng, phi quân sự hóa nghĩa là không có mối đe dọa nào đối với an ninh của chúng tôi, không có mối đe dọa quân sự nào từ lãnh thổ Ukraine, và mục tiêu này vẫn còn".
Mỹ sẽ gửi thêm 4 hệ thống tên lửa pháo cơ động cao tới Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ gửi thêm 4 hệ thống tên lửa pháo cơ động cao (HIMARS) tới Ukraine trong gói hỗ trợ an ninh tiếp theo.
Cụ thể, phát biểu vào ngày 20/7, ông Austin nói: "Vào cuối tuần này, chúng tôi sẽ triển khai gói vũ khí, đạn dược và thiết bị viện trợ tiếp theo của tổng thống dành cho Ukraine. Nó sẽ bao gồm thêm 4 hệ thống HIMARS, hệ thống tên lửa tiên tiến, mà người Ukraine đã sử dụng rất hiệu quả và đã tạo ra sự khác biệt trên chiến trường".
Gói hỗ trợ tiếp theo cũng sẽ bao gồm "nhiều loạt đạn của hệ thống tên lửa phóng nhiều lần và đạn pháo".
Ông phản ánh về cách Nhóm liên lạc Ukraine - bao gồm hơn 40 quốc gia tham gia - đã gửi hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ cuộc họp trực tiếp của họ vào tháng trước tại Brussels (Bỉ) vào ngày 15/6, nói rằng Mỹ đã "cam kết hỗ trợ hơn 2,6 tỷ USD cho Ukraine".
Ông nhấn mạnh: "Hơn 30 quốc gia hiện đã gửi hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine trong thời gian khủng hoảng và chúng tôi tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng".
Minh Hạnh (Theo CNN)