Ukraine xác nhận phóng hỏa căn cứ quân sự ở Crimea
Lãnh đạo Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) Kirill Budanov mới đây cho biết chính lực lượng Kiev đã gây ra vụ cháy lớn ở căn cứ quân sự Nga tại quận Kirovsky, bán đảo Crimea.
Theo ông Budanov, đám cháy bùng phát tại cơ sở huấn luyện quân sự Nga ở Crimea là kết quả hoạt động của các nhân viên tình báo và quân nhân Ukraine.
"Một chiến dịch đã được thực hiện ở khu vực này", hãng tin RBC Ukraine dẫn lời quan chức Kiev xác nhận thông tin về vụ hỏa hoạn ở Crimea.
Ngày 19/7, người đứng đầu khu vực Crimea, lãnh đạo Crimea Sergey Aksyonov công bố kế hoạch “tạm thời sơ tán người dân của 4 khu dân cư" sau khi có thông báo một đoạn đường cao tốc Tavrida bị đóng cửa do đám cháy lớn tại bãi huấn luyện quân sự ở quận Kirovsky gần đó.
Cụ thể, lệnh sơ tán đã ảnh hưởng đến khoảng 2.200 người và những người này sẽ được cung cấp sự hỗ trợ cần thiết. Một trụ sở hoạt động đã được thành lập để đối phó với đám cháy. Những người sơ tán sẽ được chuyển đến hai trung tâm lưu trú tạm thời. Không có ai bị thương.
Vụ việc xảy ra một ngày sau khi quân đội Nga được cho là đã chặn được ít nhất 28 máy bay không người lái của Ukraine nhắm vào nhiều địa điểm trên bán đảo. Trước đó, ngày 17/7, Kiev bị cáo buộc sử dụng 2 phương tiện không người lái dưới nước tấn công cầu Crimea khiến 2 thường dân thiệt mạng và một trẻ em bị thương.
Ukraine chuyển xe tăng Nga bị bắt giữ đến Anh
Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Sir Tony Radakin cho biết Ukraine đang bàn giao cho Anh một số xe tăng Nga bị họ phá hủy và thu giữ. Giới chuyên gia đang nghiên cứu tỉ mỉ các phương tiện bọc thép này để tìm ra điểm yếu của chúng, phục vụ cho những trận chiến tiếp theo.
"Chúng tôi có các nhà khoa học có thể giải mã chi tiết những thiết bị này", ông Radakin khẳng định và cho biết công tác nghiên cứu xe tăng Nga được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Anh ở Porton Down.
Theo quan chức Anh, việc nghiên cứu chi tiết sẽ giúp trả lời nhiều câu hỏi như: thiết bị của họ hoạt động như thế nào, làm thế nào để đánh bại nó, làm thế nào để xây dựng lớp áo giáp tốt hơn, làm thế nào để gây gián đoạn thông tin liên lạc của chúng, làm thế nào để xuyên thủng hàng phòng ngự của Nga.
Ông Radakin cũng nhấn mạnh rằng London sẵn sàng chia sẻ những phát hiện của mình với các đồng minh vì Moscow có thể là mối nguy hiểm đối với họ trong tương lai.
Kể từ đầu năm nay, Mỹ và các đồng minh viện trợ hàng loạt xe tăng và xe bọc thép các loại để giúp Ukraine sử dụng cho chiến dịch phản công. Những phương tiện quân sự như xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 được kỳ vọng sẽ giúp Kiev xoay chuyển cục diện chiến trường, giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát.
Tuy nhiên, lực lượng thiết giáp của Ukraine tổn thất lớn khi tìm cách chọc thủng hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga, trong đó có các bãi mìn. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong vòng hơn một tháng qua, Nga đã phá hủy hơn 1.200 xe thiết giáp Ukraine, trong đó có 17 xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo, 12 thiết giáp M2 Bradley do Mỹ sản xuất, 5 thiết giáp AMX-10 RC do Pháp chế tạo. Báo New York Times cũng đưa tin Kiev đã mất 20% thiết bị mà phương Tây viện trợ trong giai đoạn đầu của cuộc phản công.
Ngày 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tiết lộ các chuyên gia Nga sẽ kiểm tra vũ khí do phương Tây sản xuất mà quân đội nước này thu giữ trong quá trình đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine. Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh Moscow sẽ không bỏ qua cơ hội kiểm tra công nghệ phương Tây.
Phương Uyên(T/h)