Ukraine bị tố tấn công đường ống dẫn dầu Nga sang EU
Nhà điều hành đường ống Transneft cho biết tên lửa Ukraine đã tấn công gần một trạm bơm dầu nối với đường ống Druzhba ở vùng Bryansk của Nga.
Trao đổi với hãng tin TASS, ông Igor Demin - phát ngôn viên của nhà điều hành đường ống cho biết tên lửa đã rơi xuống gần một trạm bơm dầu nối với đường ống Druzhba ở vùng Bryansk của Nga ngày 31/1. Ông lưu ý rằng nỗ lực tấn công không gây ra bất kỳ thương vong cũng như làm gián đoạn hoạt động của đường ống.
Theo báo cáo ban đầu của hãng thông tấn Mash, cuộc tấn công được thực hiện bằng tên lửa Tochka-U. Trạm bơm dầu Novozybkovo đã bị mất điện sau vụ việc. Một miệng hố rộng 20 m được tạo ra sau các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Ông Demin cho hay, trạm bơm dầu Novozybkovo chỉ sử dụng tạm thời vào thời gian cao điểm trên đường ống Druzhba, lần gần đây nhất là vào năm 2022, hoạt động chỉ trong vài giờ. Ông nói rằng các công nhân của Transneft đang sửa chữa những thiệt hại do cuộc tấn công và đường ống vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Đường ống dẫn dầu Druzhba là một trong những đường ống dài nhất thế giới và kết nối các vùng phía đông của Nga với một số điểm ở châu Âu, bao gồm Ukraine, Belarus, Ba Lan và Đức.
Đoạn đường ống bị lực lượng của Kiev nhắm mục tiêu hôm 31/1 nằm cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 39 km và dẫn thẳng đến Belarus. Tại đây đường ống sẽ phân thành 2 nhánh, một đến Đức và Ba Lan và một dẫn dầu đến Ukraine, Hungary, Slovakia, Áo và Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, dòng chảy dầu đến Đức đã ngừng từ đầu năm sau khi nước này và Ba Lan không nhập khẩu dầu thô của Nga.
Theo Thống đốc Bryansk Aleksander Bogomaz, các lực lượng của Kiev cũng đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng pháo nhằm vào mục tiêu dân sự trên khắp khu vực hôm 31/1. Mặc dù không có thương vong, song ông Bogomaz cho biết cuộc tấn công đã làm hư hại hơn chục tòa nhà dân, đài tưởng niệm Thế chiến II..., cũng như làm mất điện ở một số ngôi làng.
Ông Erdogan: Gửi xe tăng cho Kiev không giải quyết được xung đột Ukraine
Trả lời phỏng vấn của kênh TRT vào hôm 2/2, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí, bao gồm xe tăng, cho Kiev sẽ không mang lại giải pháp cho xung đột Ukraine. Ông bày tỏ: "Chúng tôi mong các nước phương Tây ủng hộ lời kêu gọi của chúng tôi về đàm phán giữa Ukraine và Nga".
Đề cập việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev, ông Erdogan nhấn mạnh rằng "bước đi mạo hiểm này chỉ đặc biệt có lợi cho các ông trùm vũ khí".
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể tạo điều kiện cho "một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán" trong tương lai.
Ngày 25/1, Mỹ cam kết gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Ukraine. Cùng ngày, Đức khẳng định sẽ chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine và đồng ý để các nước tái xuất khẩu các xe tăng Leopard cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết, xe tăng loại này sẽ được gửi tới Ukraine "trước cuối tháng 3".
Các nước như Na Uy, Slovakia, Anh, Ba Lan và Pháp cũng đã cam kết cung cấp cho Ukraine các xe tăng do phương Tây sản xuất.
Kiev kỳ vọng nhận lô đầu tiên gồm tới 140 xe tăng gửi tới từ 12 nước.
Phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov nói rằng căng thẳng liên quan tới Ukraine đang gia tăng do quyết định của Washington và áp lực của Mỹ lên các nước khác.
Minh Hạnh (T/h)