Ông Zelensky dồn dập điện đàm, báo hiệu diễn biến mới
Ngày 11/12, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky có cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, nhằm tăng cường mặt trận ngoại giao khi cuộc xung đột đã kéo dài sang tháng thứ 10.
“Chúng tôi vẫn liên tục làm việc với các đối tác”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu bằng video hằng đêm. Ông cho biết sẽ có một số “kết quả quan trọng” trong tuần này từ hàng loạt sự kiện quốc tế liên quan đến tình hình Ukraine.
Dù ông Zelensky đã nhiều lần trao đổi với ông Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kể từ khi xung đột nổ ra, nhưng nhiều cuộc bàn bạc như vậy diễn ra trong 1 ngày là điều gây chú ý.
Ông Zelensky cho biết, ông đã cám ơn ông Biden về “sự giúp đỡ quốc phòng và tài chính chưa từng có” mà Mỹ đã dành cho Ukraine, cũng như trao đổi với nhà lãnh đạo Mỹ về các hệ thống phòng không hiệu quả đang bảo vệ dân thường.
Trước đó, ông Zelensky cho biết ông đã có “cuộc trao đổi rất ý nghĩa” với Tổng thống Macron về “ngoại giao quốc phòng, năng lượng và kinh tế” trong hơn 1 giờ đồng hồ và trao đổi “rất cụ thể” với ông Erdogan về bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc cho Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò hoà giải ngay từ đầu cuộc xung đột. Nước này đã phối hợp với Liên Hợp Quốc để dàn xếp một thoả thuận nhằm mở cửa các cảng của Ukraine cho xuất khẩu ngũ cốc.
Văn phòng của ông Erdogan cho biết nhà lãnh đạo này có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 11/12, trong đó ông kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột.
Tuần trước, ông Putin nói rằng việc Moscow mất hoàn toàn niềm tin vào phương Tây sẽ khiến việc giải quyết tình hình ở Ukraine khó đạt hơn và cảnh báo nguy cơ cuộc xung đột sẽ kéo dài.
Đến nay vẫn chưa có triển vọng nào để kết thúc cuộc xung đột căng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Mátxcơva không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào sẽ trả lại những vùng đất của Ukraine, tuyên bố rằng 4 vùng đã sáp nhập trở thành một phần của Nga “mãi mãi”. Kiev gạt bỏ khả năng nhượng đất để đổi lấy hoà bình.
Trên thực địa, toàn bộ chiến tuyến miền Đông đang bị pháo kích dồn dập. Nga cũng tiếp tục tấn công vào hạ tầng của Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái, khiến dân Ukraine phải sống trong cảnh thiếu điện khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C.
Mỹ bác cáo buộc "bật đèn xanh" cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga
Tuyên bố này được đưa ra sau khi The Times hôm 9/12 trích dẫn một số nguồn tin cho biết Mỹ đã âm thầm “bật đèn xanh” cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào những mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Theo một nguồn tin quốc phòng Mỹ được The Times phỏng vấn, Lầu Năm Góc rõ ràng đã thay đổi lập trường về vấn đề này. Trước đó hôm 10/12, ông Aleksey Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine nói rằng, Kiev không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC, khi được hỏi liệu ông có cho rằng máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các sân bay nằm sâu bên trong nước Nga hay không, ông John Kirby cho biết “hãy để các lực lượng vũ trang Ukraine lên tiếng về hoạt động của họ” .
“Chúng tôi chắc chắn không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động của Ukraine bên trong nước Nga. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng họ có thể bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ đã mất”, ông Kirby khẳng định. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã theo dõi chặt chẽ và quan tâm đến nguy cơ cuộc xung đột leo thang vì điều này không có lợi cho người dân Ukraine cũng như không mang lại lợi ích cho chúng tôi hay cho Nga”.
Ông John Kirby cũng đề cập gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 275 triệu USD của Washington dành cho Ukraine, bao gồm tên lửa cho hệ thống HIMARS, đạn pháo, các bộ phận phòng không và các vũ khí khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đó đã cảnh báo Mỹ rằng việc cung cấp cho Kiev vũ khí tầm xa để tấn công Nga sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và có khả năng khiến Washington trở thành “một bên trực tiếp của cuộc xung đột”.
Minh Hạnh (T/h)