Ukraine gửi thêm quân tiếp viện tới Bakhmut
RT dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết Kiev đã gửi thêm quân tiếp viện tới Bakhmut trong bối cảnh thành phố gần như bị lực lượng Nga bao vây.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Ukraine ngày 28/2, Thứ trưởng Malyar cho biết quân đội Ukraine đã gửi thêm quân tiếp viện đến thành phố Bakhmut. Bà Malyar cũng nhấn mạnh rằng quyết định này được đưa ra dựa trên các đánh giá quân sự và không bị chi phối bởi động cơ chính trị.
Theo RT, quân đội Nga đã gần như bao vây thành phố Bakhmut thuộc vùng Donetsk trong các đợt tấn công gần đây. Thành phố bị pháo binh Nga tấn công tới mức các đồng minh phương Tây được cho đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giảm thiểu tổn thất ở Bakhmut và rút quân.
Bakhmut, nằm cách Donetsk 55km về phía Đông Bắc, là một trung tâm vận chuyển quan trọng cung cấp hậu cần cho quân đội Ukraine ở Donbass. Những cuộc giao tranh dữ dội nhằm giành quyền kiểm soát thành phố này hiện vẫn đang diễn ra. Quân đội Nga đã giành được một số khu vực ở ngoại ô Bakhmut gồm Kleshcheyevka, Podgorodnoye, Paraskoviyevka, Berkhovka và Yagodnoye.
Trước đó, vào tháng 1/2023, Tổng thống Zelensky từng tuyên bố “sẽ không đầu hàng ở Bakhmut”, tuy nhiên nhà lãnh dạo Ukraine đã thay đổi quan điểm này khi cho rằng chỉ nên tiếp tục phòng thủ Bakhmut trong điều kiện cho phép.
Cho đến nay quân đội Ukraine vẫn chưa công khai lực lượng đang tham gia phòng thủ cũng như thiệt hại ở thành phố này. Tổng thống Zelensky từng so sánh trận chiến ở Bakhmut giống “địa ngục”.
Trong khi cuộc xung đột đang chuyển dần sang “chiến tranh tiêu hao”, lợi thế về tiềm lực quân sự của Nga càng thể hiện rõ hơn.
Theo một báo cáo gần đây của Washington Post, các quan chức cấp cao của Mỹ tin rằng Tổng thống Zelensky “xem việc phòng thủ Bakhmut có tính biểu tượng quan trọng” và lo ngại tinh thần binh sĩ Ukraine sẽ lung lay nếu thành phố thất thủ.
Washington Post dẫn nguồn tin riêng cho biết thêm, Nhà Trắng đã thúc ép Ukraine rút khỏi Bakhmut để giữ lực lượng cho đợt phản công vào mùa xuân.
Quan chức tình báo Ukraine tuyên bố sẽ cắt đứt bán đảo Crimea với Nga
Theo tờ The Telegraph ngày 27/2, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm ngoái, cây cầu bắc qua eo biển Kerch là đường nối duy nhất nối bán đảo Crimea với Nga. Một phần của cây cầu đã bị lực lượng Ukraine tấn công vào năm ngoái và đã được sửa lại.
Ông Vadym Skibitsky, Phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine, cho biết cuộc phản công vào mùa xuân sẽ chia cắt Crimea và lục địa Nga.
Trả lời phỏng vấn tờ Berliner Morgenpost, ông Skibitsky cho biết: “Mục đích cuộc phản công của chúng tôi là giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine, trong đó có cả Crimea. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi đất nước của chúng tôi trở lại biên giới năm 1991”.
Nếu Ukraine có thể tái chiếm các thành phố như Melitopol hoặc Mariupol và từ đó cắt đứt Crimea khỏi các khu vực do Nga chiếm đóng ở Donetsk, Nga sẽ gặp khó khăn trong vận chuyển hàng tiếp tế và quân tiếp viện đến bán đảo Crimea.
Trước đó, ngày 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này đang chuẩn bị cho các bước quân sự để lấy lại bán đảo Crimea. Ông Zelensky nói: “Có những bước quân sự, chúng tôi đang chuẩn bị. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần. Chúng tôi đang chuẩn bị về kỹ thuật, vũ khí, quân tiếp viện, thành lập các lữ đoàn tấn công với nhiều chủng loại và tính chất khác nhau, chúng tôi cử người đi huấn luyện tại các địa điểm ở các nước khác”.
Trước đó, trang mạng Politico dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ không muốn khuyến khích Ukraine chiếm bán đảo Crimea. Theo Politico, điều này đã được Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói rõ trong cuộc hội đàm trực tuyến với một nhóm chuyên gia.
Ông Blinken cho rằng một cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine vào bán đảo này sẽ đồng nghĩa với việc vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nói thêm nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Crimea có thể dẫn đến phản ứng mạnh hơn của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng về vấn đề Crimea là do Ukraine chứ không phải Mỹ đưa ra.
Ngày 19/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Mỹ gây leo thang căng thẳng quốc tế khi xem nhẹ các cuộc tấn công nhằm vào bán đảo Crimea, đồng thời cảnh báo các phát biểu liên quan tới khu vực này càng chứng tỏ sự bất đồng sâu sắc giữa Nga và Mỹ.
Cáo buộc này được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng các cơ sở quân sự của Nga ở bán đảo Crimea là mục tiêu hợp pháp của Ukraine và Mỹ ủng hộ các cuộc tấn công này.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev tuyên bố bên tấn công bán đảo Crimea sẽ gặp hậu quả không thể tránh khỏi và Nga sẽ sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào. Cựu tổng thống Nga nhắc lại rằng Nga sẽ hành động phù hợp với bản chất của các mối đe dọa sắp tới và nhấn mạnh: “Sẽ không có đàm phán trong trường hợp này, sẽ chỉ có các cuộc tấn công trả đũa”.
Tổng thống CH Séc, ông Petr Pavel ngày 18/2 cũng cho rằng phương Tây không nên ủng hộ kế hoạch của Ukraine nhằm giành lại quyền kiểm soát Crimea.
Crimea sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 3/2014 và ngay sau một cuộc đảo chính ở Ukraine. Ukraine tiếp tục coi Crimea là lãnh thổ của mình nhưng tạm thời bị chiếm đóng. Giới lãnh đạo Nga nhiều lần tuyên bố rằng cư dân Crimea đã bỏ phiếu thống nhất với Nga một cách dân chủ, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, vấn đề Crimea đã khép lại.
Minh Hạnh (T/h)