Hậu quả nếu Ukraine không nhận được viện trợ từ Mỹ
"Tôi có thể đảm bảo rằng, nếu không có sự hỗ trợ của chúng ta, Nga sẽ thành công. Nếu chúng ta ngừng viện trợ, Nga sẽ đạt được những gì họ muốn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Mỹ ngày 31/10.
Ông Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken đang thuyết phục quốc hội thông qua gói viện trợ trị giá 106 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất. Hơn 44 tỷ USD được đề xuất dành cho Ukraine, trong đó 12 tỷ USD dùng để mua sắm vũ khí, 18 tỷ để thay thế những vũ khí mà Mỹ đã cấp cho Kiev.
Ngoài ra, 10,7 tỷ USD sẽ dành cho việc hỗ trợ thông tin tình báo, tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu, 3,7 tỷ USD dành cho mở rộng năng lực sản xuất quốc phòng. Bộ trưởng Austin và Blinken đều lập luận rằng, việc viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ hỗ trợ kinh tế Mỹ bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất quốc phòng, tạo việc làm mới cho người Mỹ.
Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Đến nay, Washington đã rót khoảng 44 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài và trở thành một cuộc chiến tiêu hao làm dấy lên lo ngại về tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Tuần trước, Slovakia thông báo ngừng viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần khẳng định Washington sẽ hỗ trợ Kiev lâu nhất có thể. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến dịch tranh cử tổng thống ngày càng nóng lên ở Mỹ có thể tác động đến cam kết này của chính quyền ông Biden.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng trước thừa nhận, nếu Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine, "chúng tôi sẽ thua”. Giới phân tích cũng nhận định rằng, Ukraine có thể cạn kiệt đạn dược vào năm sau và các nước phương Tây sẽ không thể lấp đầy kho vũ khí cho tới năm 2025.
Ukraine nêu hiệu quả của tên lửa ATACMS
Sau bài phát biểu của mình tại một hội nghị ở Washington D.C gần đây, Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova nói với Bloomberg rằng cho đến nay, các tên lửa ATACMS do chính quyền Tổng thống Joe Biden gửi cho Ukraine "rất hiệu quả".
Bà Markarova nhấn mạnh những tên lửa đó "tạo ra sự khác biệt trên chiến trường và chúng tôi càng có nhiều vũ khí thì chúng tôi càng có thể chuẩn bị cho chiến trường tốt hơn". Phiên bản ATACMS được Mỹ gửi cho Ukraine có tầm bắn từ 160 km đến 165 km, và dù "nó rất tốt" nhưng Ukraine cần "có thêm những thứ này và hy vọng có được tầm bắn xa hơn".
Cũng theo bà Markarova, Ukraine đã sử dụng ATACMS để tấn công các khu vực kho đạn của Nga và những trực thăng đậu tại hai địa điểm bên trong Ukraine. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby ngày 17/10 xác nhận ATACMS đã được chuyển đến Ukraine. Chính quyền Tổng thống Biden đã do dự khi gửi vũ khí cho Ukraine với tầm bắn ngày càng xa hơn có thể vươn tới lãnh thổ Nga.
Sau nhiều cuộc tranh luận nội bộ và áp lực từ các nhà lập pháp Mỹ, Washington đã gửi cho Ukraine ATACMS với phiên bản cũ hơn, có các loại bom, đạn chùm gây tranh cãi mà Mỹ không sử dụng. Theo tài liệu vũ khí của Lục quân Mỹ, phiên bản mới hơn của ATACMS có tầm bắn gần gấp đôi so với những phiên bản được gửi cho Ukraine.
Hôm 25/10, Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên tuyên bố các lực lượng nước này đã bắn hạ 2 quả tên lửa ATACMS trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đến ngày 28/10, Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục tuyên bố lực lượng nước này đánh chặn 4 ATACMS trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Phương Uyên (T/h)