Không lạ gì khi một Khá “bảnh” có cả triệu người theo dõi, một “thánh chửi” có cả vạn fan cuồng, một Phúc XO có thể làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Gieo gì gặt đó, một xã hội gieo quá nhiều mầm tiêu cực thì cái gặt được là những chuyện được khái quát bằng hai từ “lệch chuẩn”.
Emily Coxhead - người phụ nữ Anh xuất bản tờ báo chuyên đưa tin tức tốt Happy News chia sẻ: “Sứ mệnh của tôi là làm giảm bớt tin tức tiêu cực”.
Đọc thông tin về tờ báo Happy News ai cũng không khỏi giật mình tự hỏi, mình đã có suy nghĩ tích cực như vậy chưa. Tất nhiên không phải dễ dàng để xuất bản một tờ báo, nhưng đối với người cầm bút, một nhà báo, có được mấy người ý thức viết về điều tích cực, nhất là trong thời buổi câu view, câu like.
Và với người viết trên mạng xã hội, có mấy ai nghĩ rằng, mỗi ngày hãy tìm những điều tích cực, những việc mang ý nghĩa xây dựng, những chân dung đẹp trong cộng đồng để viết, hay chỉ chăm chăm những cái xấu mà chửi bới như thể là “tôi chửi bới là tôi tồn tại’.
Viết về cái đẹp của con người không khó, cái khó là do chính suy nghĩ và tấm lòng của người viết, như Emily Coxhead nói: “Mỗi ngày, khắp nơi trên trái đất chúng ta đang sống có những người âm thầm giúp đỡ người khác hay làm những công việc kỳ diệu. Chúng tôi nghĩ rằng họ xứng đáng được ghi nhận”.
Nói như vậy không có nghĩa chỉ ca ngợi mà không phản biện, bởi vì phản biện giúp xã hội tiến bộ. Có điều, phản biện, phê phán phải có cơ sở, có lý lẽ, có sức thuyết phục. Còn chửi bới bất kể lý lẽ lại là chuyện khác.
Khi chúng ta xả rác ra môi trường, đừng tưởng nó không liên quan đến mình. Những đống rác khắp nơi bị thối rữa, ô nhiễm môi trường, chính chúng ta hít thở bầu không khí dơ bẩn đó, cơ thể chịu bệnh tật, con cháu càng bị ảnh hưởng nặng nề.
“Xả rác” trên mạng xã hội cũng vậy. Những tiếng chửi bới, mạt sát đó làm tổn thương tâm lý, tình cảm, tác động tiêu cực vào não bộ, thần kinh người xả rác. Bố mẹ cứ mặc sức chửi bới, nhưng không biết rằng, con cái mình đọc những “dòng trạng thái” của bố mẹ. Chúng thấy xã hội chỉ toàn màu đen tối, thấy cái gì cũng đáng chửi, thấy ai cũng không đáng tin. Thật quá nguy hiểm khi một đứa trẻ trưởng thành bằng những cảm xúc tiêu cực như vậy.
Một ông bố chở con đi học trên xe máy, lạng lách, va quệt thì nhảy xuống chửi bới, đòi hành hung người khác thay vì nói lời xin lỗi, vậy mà đòi con mình lớn lên thành tài. Người chưa thành làm sao thành người tài.
Một bà mẹ làm “thánh chửi” trên mạng xã hội thì con cái sao có thể nói lời tử tế và lớn lên trong tình yêu thương tha nhân.
Hãy trả lại cảm xúc trong veo cho giới trẻ bằng sự bao dung, chuẩn mực và niềm tin vào điều tốt đẹp của người lớn.
Theo baogiaothong.vn