Triều Tiên vắng mặt trong cuộc đàm phán với Mỹ
Hài cốt một lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên được hồi hương năm 1993. - Ảnh: AP. |
"Chúng tôi đã sẵn sàng nhưng cuộc họp không diễn ra. Họ đã không tới", hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và Liên Hợp Quốc ngày 12/7 dự kiến họp với phía Triều Tiên tại Khu phi quân sự ngăn cách Hàn - Triều để bàn về việc hồi hương hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Hiện chưa rõ lý do quan chức Triều Tiên không tới cuộc họp.
Trước đó, sau chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hai bên đã đạt được tiến bộ trong những vấn đề chính và sẽ họp vào ngày 12/7 để bàn về việc hồi hương hài cốt lính Mỹ. Đây là một trong nhưng vấn đề lớn giữa Washington và Bình Nhưỡng sau chiến tranh Triều Tiên.
Tổng thống Trump lần đầu thăm Anh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania hôm nay xuống sân bay Stansted. - Ảnh: AP. |
Chuyên cơ Không lực 1 chở Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania, ngày 12/7, đã hạ cánh xuống sân bay Stansted, thủ đô London, theo AFP.
Trong chuyến thăm chính thức, ông Trump sẽ nghỉ đêm tại dinh thự của đại sứ quán Mỹ ở London. Ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May sẽ đến thăm Học viện Quân sự Sandhurst và sau đó là Checkers, một dinh thự có từ thế kỷ 16, cách 60 km về phía tây bắc thủ đô London, để đàm phán song phương về chính sách đối ngoại.
Ông Trump và bà Melania sau đó sẽ đến Lâu đài Windsor để gặp Nữ hoàng Elizabeth và dùng trà.
Hàn Quốc lập dự luật đặc biệt ngăn quân đội can thiệp chính trị
Các binh sỹ Hàn Quốc. - Ảnh: AP |
Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc ngày 12/7 cho biết, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ xúc tiến lập một dự luật đặc biệt nhằm quy định về sự trung lập chính trị của các tổ chức trực thuộc quân đội sau vụ Bộ Tư lệnh Quốc phòng và An ninh (DSC) từng soạn thảo một văn bản xem xét việc ban lệnh giới nghiêm trong thời điểm diễn ra phiên xét xử cựu Tổng thống Park Geun-hye hồi tháng 3 năm ngoái.
Bộ Quốc phòng đưa ra quyết định này sau khi văn bản trên của DSC bị dư luận chỉ trích là phủ nhận trật tự Hiến pháp và chủ nghĩa dân chủ của Hàn Quốc.
Luật đặc biệt dự kiến sẽ bao gồm nội dung: các cơ quan quân đội có thể từ chối những chỉ thị có yếu tố chính trị từ các cơ quan cấp trên, bao gồm Phủ tổng thống, và có thể xử phạt nghiêm người đưa ra chỉ thị đó.
Nga gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin. - Ảnh: Getty |
Ngày 12/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây thêm 18 tháng, sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt liên quan tới các hành động của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm trên đến ngày 31/12/2019. Trước đó, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho tới cuối năm nay.
Mỹ và EU đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea và các cáo buộc Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Đáp lại, Nga cũng có các biện pháp trả đũa về kinh tế thông qua việc ngừng nhập khẩu nhiều nông sản và thực phẩm của các nước phương Tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo hạn chế nhập khẩu ôtô của EU
Ôtô của Tập đoàn Volkswagen và Audi tại một bãi đỗ xe ở Michigan, Mỹ. - Ảnh: Getty |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/7 cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng Mỹ sẽ hành động để hạn chế nhập khẩu ôtô của châu Âu nếu liên minh này không đối xử công bằng với Mỹ về thương mại.
Phát biểu tại họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, ông Trump đã nhắc lại quan điểm của mình rằng EU đang đối xử không công bằng với Mỹ về thương mại, đóng cửa với nông dân Mỹ.
Ông Trump nói: "Điều đó sẽ thay đổi và tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy vì sao ngày 25/7 tới họ sẽ bắt đầu đàm phán với tôi."
Dự kiến, ông Trump sẽ đón tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại thủ đô Washington trong tháng 7 này.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)