Sóc Trăng: Nữ bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2 sau khi trốn về quê
Ngày 7/8, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng (Bệnh viện Sản - Nhi), đã thông tin về trường hợp một nam bác sĩ của bệnh viện dương tính với virus SARS-CoV-2. Được biết, bác sĩ này làm việc ở khoa Ngoại nhi và hiện đã được chuyển tới cách ly, điều trị tại Bệnh viện 30/4, TP Sóc Trăng.
Qua điều tra dịch tễ, lực lượng y tế xác định được 78 F1 của ca bệnh này, hiện những người này đã được đưa tới cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Sóc Trăng, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh viện Sản - Nhi cũng đã thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và chữa bệnh thông thường từ chiều 6/8 và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân và các cán bộ, nhân viên tại bệnh viện. Theo đó, hơn 350 cán bộ, nhân viên còn lại của bệnh viện và 216 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều đã nhận kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Thông tin thêm về trường hợp nam bác sĩ mắc COVID-19, lãnh đạo Bệnh viện Sản - Nhi cho biết bác sĩ này quê ở ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bệnh viện đã bố trí chỗ ăn và nghỉ cho các cán bộ, nhân viên y tế ở lại.
Tuy nhiên, nam bác sĩ trên lấy lý do có người nhà ở đường Nguyễn Văn Linh, TP Sóc Trăng nên xin được trở về, không ở lại bệnh viện. Không những thế, ngày 30/7, nam bác sĩ còn trốn khỏi bệnh viện để về quê để thắp nhang cho bố. Sau khi bị phát hiện, bác sĩ cho biết đã xin một người tên Tài, Phó chủ tịch xã Thuận Hưng, cho qua khu vực chốt chặn và đã ôm vai người này.
Tiền Phong trước đó đưa tin này 6/8, ông Nguyễn Việt Phú - chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Tấn Tài vì tham gia một đám tang trong thời điểm giãn cách xã hội. Được biết, đám tang có 3 F0, bản thân ông Tài và vợ cũng đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
TP.HCM hỗ trợ toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì COVID-19
Ngày 7/8, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết thành phố đã thống nhất sẽ lo toàn bộ chi phí hậu sự cho bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Mức chi dự kiến là 17 triệu đồng cho mỗi trường hợp.
"Thành phố sẽ lo tất cả từ chi phí tẩm liệm, vận chuyển, hỏa thiêu, cho đến việc giao tro cốt cho người thân của người mất. Thành phố sẽ cố gắng lo công tác này chu toàn và trang nghiêm nhất cho người dân", trích lời ông Thắng.
Ông Thắng cũng cho biết thêm, đối với người mất vì COVID-19 tại các bệnh viện, thành phố sẽ phân bổ ngân sách về cho Sở Y tế để sở chuyển cho các bệnh viện lo hậu sự. Đối với những trường hợp F0 điều trị tại nhà không may qua đời thì ngân sách sẽ phân bổ về các quận huyện, quận huyện phân bổ về phường xã để lo cho người dân.
Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM cũng khẳng định, người nhà chỉ cần có giấy chứng nhận người thân mất vì COVID-19 thì có thể làm thủ tục nhận lại ở địa phương.
"Sở đã làm việc với các đơn vị liên quan trước khi xác định toàn bộ chi phí mai táng là 17 triệu đồng. Nếu cơ sở mai táng nào đòi mức giá cao hơn thì gia đình thẳng thắn từ chối. Trong trường hợp không tìm được cơ sở thì gia đình gọi điện cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị để giới thiệu cơ sở phù hợp, đảm bảo đúng khung giá quy định", ông Thắng hướng dẫn, theo Thanh Niên ghi nhận.
Hiện việc hỏa táng người mất, toàn TP.HCM có 4 nơi thực hiện gồm: Khu Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), khu Đa Phước (huyện Bình Chánh), khu Phúc An Viên (TP.Thủ Đức) và khu Tháp Long Thọ (huyện Củ Chi).
Người tiêm đủ 2 mũi vaccine không phải cách ly khi về từ vùng dịch
7/8, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch COVID-19.
Theo đó, người tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 (liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm về địa phương hoặc đã khỏi bệnh COVID-19) sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Những người này phải xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên về địa phương và ngày thứ 7.
Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 vẫn phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo. Đối tượng này phải xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly y tế.
Các trường hợp từ các tỉnh, thành phố, địa bàn khác đi qua khu vực có dịch nhưng không dừng, đỗ thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế.
Tuy nhiên quy định trên chỉ áp dụng với các vùng có dịch lẻ tại các tỉnh. Trước đây nhiều địa phương yêu cầu cách ly tập trung tất cả những trường hợp này, hướng dẫn mới của Bộ Y tế đã nới lỏng.
Riêng các tỉnh áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, tiếp tục yêu cầu không di chuyển đến địa phương khác cho đến khi hết thời gian giãn cách.
Trường hợp đặc biệt được cho phép di chuyển đến địa phương khác phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đối với những người về từ khu vực có dịch COVID-19.
Ngoài ra, cũng theo công văn này, Bộ Y tế hướng dẫn cách ly với với những người tham gia các đoàn công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tại các tỉnh, thành phố, khu vực có dịch hoặc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (trừ trường hợp thuộc diện F1, F2).
Theo đó, thành viên đoàn công tác từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên phải tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác cần báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử lý theo quy định.
Nếu tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, thành viên đoàn công tác tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7 kể từ ngày đến/về địa phương. Ngoài ra, những người này phải luôn thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập và không đến nơi tập trung đông người.
Nếu thành viên đoàn công tác chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 thì phải cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 3 ngày kể từ ngày về địa phương. Sau đó, họ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe cho đến hết 14 ngày và thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 3 kể từ ngày cách ly y tế tại nơi cư trú.
Đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực có dịch, Bộ Y tế cho phép không phải thực hiện cách ly y tế khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với người đã tiêm vắc-xin hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài, việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Gia Lai: Đi cắt cỏ, 3 mẹ con đuối nước thương tâm
Ngày 7/8, UBND xã Yang Trung (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cho biết đã đến thăm hỏi và chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình ông Ngô Văn Q. (SN 1977, trú thôn 9, xã Yang Trung) có vợ và 2 con trai thiệt mạng do đuối nước.
Thông tin ban đầu, vào chiều 6/8, ông Q. và vợ là bà L.T.H (SN 1973) cùng 3 con là N.L.A.Đ (SN 2005), N.L.T.T (SN 2008) và N.L.T.Đ (SN 2010) đi cắt cỏ ở khu vực ao nước tại thôn 9 (xã Yang Trung).
Sau đó, bà H. cùng 2 con là T.Đ và L.L cắt cỏ và bắt ốc ở gần bờ ao. Còn ông Q. và A.Đ cắt cỏ ở khu vực khác.
Cắt cỏ xong, bố con ông Q. quay lại thì không thấy vợ cùng 2 con đâu. Khi ông Q. lặn xuống ao thì bàng hoàng phát hiện thi thể vợ và 2 con.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng huyện Kông Chro đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, không phát hiện dấu hiệu bất thường trên thi thể các nạn nhân.
Cùng ngày, nhiều ban ngành và chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân. Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ 9 triệu đồng; Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kông Chro hỗ trợ 12 triệu đồng.
Bạch Hiền (t/h)