+Aa-
    Zalo

    Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 6/6/2019: Bé trai 4 tuổi tử vong bất thường tại nhà trẻ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 6/6/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 6/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 6/6/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 6/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bàng hoàng phát hiện bé trai 4 tuổi tử vong bất thường tại nhà trẻ ở TP.HCM

    Theo báo Thanh Niên, ngày 5/6, cơ quan Công an phường Trường Thạnh đang phối hợp với Công an quận 9 (TP.HCM) để điều tra nguyên nhân cháu bé 4 tuổi bị tử vong trên địa bàn.

    Thông tin về sự việc, VTC đưa tin, vào khoảng 8h ngày 5/6, cháu Hà Đ.Q (SN 2015) được nhóm giữ trẻ có địa chỉ ở đường số 1, (phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM) cho ăn cháo.

    Bàng hoàng phát hiện bé trai 4 tuổi tử vong bất thường tại nhà trẻ ở TP.HCM. Ảnh minh họa. 

    Sau khi ăn cháo khoảng 1 tiếng đồng hồ, cháu Q. có biểu hiện khó thở, người tím tái.

    Thấy vậy, nhóm giữ trẻ hoảng hốt gọi điện báo với cha mẹ cháu Q. và đưa cháu vào Bệnh viện quận 9 cấp cứu nhưng cháu đã tử vong sau đó.

    Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự việc đau lòng trên, cơ quan Công an quận 9 đã có mặt khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

    Cơ quan công an đã tiến hành trích xuất camera, đồng thời lấy lời khai những người có liên quan.

    Hiện, thi thể bé Q. đã được bàn giao cho gia đình để thực hiện mai táng theo phong tục địa phương.

    Được biết, bố mẹ cháu Q. cùng làm công nhân nên đã giao cháu cho nhóm giữ trẻ trên trông coi.

    Thang máy trong cao ốc bất ngờ ngừng hoạt động, 21 người mắc kẹt

    Toà nhà nơi xảy ra vụ kẹt thang máy - Ảnh: Dân trí

    Báo Người Lao Động đưa tin, rạng sáng 5/6, Đội Cảnh sát PCCC – Công an Quận 1 (TP HCM) nhận tin báo yêu cầu đến cứu nạn cứu hộ ở cao ốc văn phòng ở 33 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1).

    Theo tin báo, thang máy trong cao ốc bất ngờ ngừng hoạt động, khiến 21 người mắc kẹt bên trong.

    Nhận được tin báo, Công an quận 1 điều 1 xe cùng 6 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường.

    Tại hiện trường cho thấy vị trí mắc kẹt là tại thang máy giữa lầu 2 và lầu 3. Các nạn nhân bị mắc kẹt khoảng 20 phút trước đó.

    Đơn vị cứu hộ đã dùng máy banh thủy lực phá cửa thang máy. Khoảng 1 phút sau, lực lượng cứu hộ đã đưa 21 nạn nhân thoát ra ra ngoài an toàn.

    Theo Dân Việt, sau khi được giải cứu, một số nạn nhân có dấu hiệu sang chấn tâm lý, hoảng loạn đi đứng không vững, nên đã được lực lượng y tế chăm sóc ổn định sức khoẻ.

    Trước đó, ngày 9/5 vừa qua, Phòng cảnh sát PCCC Công an TP.HCM đã giải cứu thành công 8 người mắc kẹt trong thang máy tại một khách sạn ở huyện Hóc Môn, TP.HCM.

    Theo thông tin ban đầu trên Tuổi Trẻ, lúc 1h30 cùng ngày, lực lượng chức năng nhận được tin báo có 8 người đang đi thang máy trong khách sạn Gims tại địa chỉ 5/2A quốc lộ 22, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

    Nhận tin báo, lực lượng PCCC nhanh chóng đã điều 2 xe chuyên dụng cùng 8 cán bộ chiến sĩ có mặt ở hiện trường, giải cứu những người bên trong.

    Hơn 30 phút, các chiến sĩ dùng máy banh cắt thủy lực để phá cửa thang máy, giải cứu thành công 8 người bị mắc kẹt ra ngoài an toàn.

    Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn về vấn đề cấp hàng nghìn hecta đất làm dự án du lịch tâm linh

    Ngày 5/6, ngày thứ hai diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cùng Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (codotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố, khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm hécta nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn hécta...

    Nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Xây dựng về tính thoả đáng và hợp lý khi phân bổ hàng nghìn ha cho các dự án du lịch tâm linh, đồng thời chất vấn về khả năng quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng.

    Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

    Trong đó, báo Lao Động đưa tin, tiếp tục phiên chất vấn buổi chiều, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) hỏi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà việc đầu tư các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã và đang hình thành, chiếm hàng nghìn hecta đất.

    Vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng giải thích, chất vấn là muốn Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rạch ròi giữa khu đất dành cho tâm linh và đất thương mại dịch vụ, sau này có thể biến tướng do điều chỉnh quy hoạch.

    Ông Hòa đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà trả lời, việc quy hoạch hàng nghìn hecta như vậy ở nước ta có nên không? Dân thì thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn, các nước khác có như Việt Nam chúng ta không?

    Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết loại hình du lịch này đã được điều chỉnh tại Luật Đất đai, Luật Tôn giáo, Luật Bảo vệ môi trường... Hiện giấy phép xây dựng đã quy định cụ thể việc cải tạo, xây dựng các công trình loại này. Ngoài ra, xây dựng các khu du lịch tâm linh còn chịu sự quản lý của cơ quan tôn giáo địa phương.

    Cũng liên quan đến vấn đề cấp đất dự an khu du lịch tâm linh, báo Tin Tức đưa tin, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm hécta nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn hécta, có những trường hợp được cấp chục nghìn hécta, có sự nhập nhằng giữa công và tư. Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, nhưng Nhà nước bỏ ra chục ngàn hécta đất đai rừng biển là có sự đầu tư lớn tài sản công ở đây và sau đó thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân.

    Đại biểu đưa ra câu hỏi: “Thứ nhất, vấn đề quy hoạch những khu du lịch tâm linh với diện tích lớn vậy chúng ta có kiểm soát được không? Thứ hai, việc khai thác có công bằng hợp lý không và đúng pháp luật hay không ?”

    Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Hà nói việc đầu tư xây khu du lịch, trong đó có du lịch tâm linh được điều chỉnh ở ở các pháp luật về đất đai, tín ngưỡng tôn giáo, di sản văn hoá, xây dựng, đầu tư, luật quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển rừng

    Trong đó có một số công cụ quản lý, kiểm soát là: Luật Du lịch có quy định phải lập quy hoạch khu du lịch tại địa phương. Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt để quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo. Luật Tín ngưỡng quy định: Việc cải tạo nâng cấp xây dựng mới cơ sở tôn giáo, công trình tín ngưỡng được quy định theo pháp luật về xây dựng. Trong pháp luật về xây dựng có quy định về khu chức năng, trong đó có khu du lịch phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết với các khu có diện tích từ 500 ha trở lên. Công trình tôn giáo thuộc loại công trình được cấp phép xây dựng. Trong hồ sơ cấp phép xây dựng phải có bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của đất đai, bản sao giấy tờ quy hoạch dự án, quyết định đầu tư của người quyết định đầu tư theo thẩm quyền, văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương.

    Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: Nếu các địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định trên thì sẽ kiểm soát được việc đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh, tránh được các hiện tượng như đại biểu nêu. Bộ Xây dựng sẽ bổ sung quy định để đảm bảo sử dụng đất hợp lý trong quy hoạch các khu du lịch.

    Tuy nhiên, câu trả lời trên của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà không làm các đại biểu hài lòng.

    Tranh luận lại với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, cử tri và nhiều báo chí nêu có sự nhập nhằng giữa các dự án tâm linh và dự án du lịch. 

    "Có những bài báo nêu nghèo thì không đi chùa được đâu, bởi vì rất nhiều khâu dịch vụ phải đóng tiền", đại biểu nói.

    Tuy nhiên, do hết thời gian chất vấn, phần trả lời bổ sung của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà được yêu cầu gửi cho đại biểu qua văn bản.

    Tiếp tục phát hiện hài cốt liệt sĩ trong khuôn viên trường học ở Quảng Trị

    Thông tin trên báo Dân sinh, Đội quy tập mộ liệt sĩ Sư đoàn 968 cho biết, khoảng 16h ngày 3/6, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 hài cốt liệt sĩ và đến sáng 4/6 tiếp tục phát hiện thêm 1 hài cốt liệt sĩ kèm các di vật, trong khuôn viên trường THPT Lê Thế Hiếu (huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

    Như vậy tính đến nay, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được 3 bộ hài cốt liệt sĩ trong khuôn viên trường này.

    Hai bộ hài cốt mới được phát hiện. Ảnh: Dân sinh

    Trước đó, vào khoảng 15h30 ngày 26/5, khi đang hạ cây xà cừ ở khuôn viên trường THPT Lê Thế Hiếu (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), người dân bất ngờ phát hiện dấu vết hài cốt liệt sĩ nên đã trình báo cơ quan chức năng.

    Nhận thông tin, Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 968 đã có mặt và tiến hành khai quật.

    Qua khai quật, cơ quan chức năng đã tìm thấy dưới gốc cây một bộ hài cốt liệt sĩ kèm tăng võng, cúc áo, đầu đạn và một nữa tấm bia đá màu trắng có khắc chữ.

    Đến sáng 27/5, đội quy tập tìm kiếm được nửa còn lại của chiếc bia đá. Tấm bia màu trắng rộng khoảng gang tay có khắc tên, năm sinh, ngày hy sinh và quê quán liệt sỹ là "Đào Văn Phóng, sinh năm 1949, hy sinh 2/4/1972, quê quán Cao Thắng, Thanh Miên – Hải Hưng – Đông Lâu 1".

    Ngày hi sinh của liệt sĩ đúng vào ngày giải phóng huyện Cam Lộ. Do tấm bia bị mờ nên đội quy tập đã gửi tấm bia đến công an Quảng Trị để xác minh chính xác dòng chữ này.

    Theo nguồn tin trên VnExpress, đến ngày 28/5, Sư đoàn 968 cho biết, đã nhận được thông tin chính xác về tấm bia đá được phát hiện cùng với một hài cốt liệt sĩ ở khuôn viên trường THPT Lê Thế Hiếu (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) từ Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị.

    Theo báo này, thông tin trên tấm bia đá được xác định ghi tên liệt sĩ Lưu Văn Phóng, nhập ngũ 1949, hy sinh 2/4/1972, quê Cao Thắng, Thanh Miện, Hải Hưng, … ông Lâu 1. Trong đó, phần "…" là ký tự không xác định được.

    Trước đó, khi đọc bằng mắt thường, tên liệt sĩ được phỏng đoán sai là "Đào Văn Phóng".

    Cũng theo nguồn tin này, gia đình liệt sĩ Lưu Văn Phóng đã vào Quảng Trị làm các thủ tục để nhận lại hài cốt người thân, về quê ở Thanh Miện (Hải Dương).

    Chia sẻ trên VnExpress, ông Lưu Công Định (cháu gọi liệt sĩ Phóng là chú ruột, giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều năm qua gia đình đi khắp nơi tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. "Nay vô tình phát hiện hài cốt chú khi ngôi trường chỉnh trang nên chúng tôi rất mừng", ông Định nói.

    Hiện Đội quy tập mộ liệt sĩ của Sư đoàn 968 đang tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

    Trùm bảo kê Hưng "kính" bị truy tố, tiểu thương chợ Long Biên vui mừng

    Theo báo Người Đưa Tin, sáng 4/6, dù không phải vào thời gian họp chợ nhưng có thể cảm nhận rõ về không khí xôn xao và sự vui vẻ của những tiểu thương nơi đây sau khi Viện KSND TP. Hà Nội quyết định truy tố Hưng "kính" cùng 4 đồng phạm vì liên quan đến hoạt động thu tiền bảo kê tại chợ Long Biên.

    Bà H. (60 tuổi, tiểu thương trong chợ) không giấu được niềm vui, bà nói: "Chiều ngày 28/5, mọi người trong chợ xôn xao khi báo chí đăng tin ông Hưng cùng đồng bọn bị truy tố, ai cũng vui mừng không sao tả được. Tôi mắt kém không đọc được báo nên tối về nhà phải mở ti vi xem bằng được mới thôi. Mừng lắm chú ạ, mừng rơi cả nước mắt".

    Dù không thuộc diện phải nộp tiền bảo kê cho Hưng "kính", nhưng chị L. cũng mừng ra mặt.

    “Hơn nửa năm chờ đợi chúng tôi giờ mới thở phào nhẹ nhõm. Nhất là vợ chồng cái Nga (chị Nga là người tố cáo ông Hưng), sau khi ông Hưng bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái nó còn lo hơn. Sợ rằng nếu công an không kết tội được ông Hưng thì nó hết đường làm ăn. 

    Từ khi tin Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố ông Hưng vợ chồng Nga mừng lắm, chị em gặp nhau ở chợ có ế hàng cũng mừng ra mặt. Tiểu thương tự do buôn bán và chỉ phải nộp tiền thuế theo đúng quy định Nhà nước", chị kể lại.

    "Theo tin tôi đọc trên báo thì ông Hưng cùng đồng bọn có thể bị phạt tù 1-5 năm, thôi mức nào đã có Toà án xét xử, vậy là công lý đã được thực thi", ông M., một người bán nước tại chợ cho hay.

    Về Tổ bốc xếp số 2 do Hưng "kính” cầm đầu trước đây, ngay khi từ khi có quyết định đình chỉ hồi đầu tháng 10/2018, tổ bốc xếp này đã ngừng hoạt động, những thành viên trong tổ được phân làm việc khác tại chợ.

    Một tiếu thương cho hay, các công nhân trong tổ bốc vác bây giờ chủ yếu làm công tác dọn về sinh trong chợ. Thi thoảng tiểu thương trong chợ có ai thuê khuôn vác gì thì làm thêm.

    Ông H. (SN 1968, Đông Anh, Hà Nội) thành viên Tổ bốc xếp số 2 trước kia cho biết: “Tổ số 2 của chúng tôi do ông Hưng làm tổ trưởng trước kia có 16 người. Kể từ khi tổ bốc xếp bị đình chỉ hoạt động, anh em được phân chia những việc như trông xe, hướng dẫn xe vào chợ, dọn dẹp vệ sinh… Hiện tại, chúng tôi chịu sự quản lý trực tiếp từ ban Quản lý chợ".

    Bên cạnh đó, ông H. cũng cho biết, bản thân ông rất mừng khi chứng kiến bà con yên ổn làm ăn. "Tiểu thương trong chợ họ biết chúng tôi không liên quan đến vụ việc trên, nhưng từ khi ông Hưng bị bắt thì nhiều người bên ngoài không biết cứ nghĩ cả tổ chúng tôi đều là bảo kê".

    Liên quan đến sự việc, trước đó, báo Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, ngày 28/5, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ bảo kê chợ Long Biên.

    Cả 5 bị can ở Hà Nội đều bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản gồm: Nguyễn Kim Hưng (SN 1963, tức Hưng “kính”), tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2; 4 nhân viên là: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, SN 1962), Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, SN 1968).

    Tháng 8/2018, Công an Hà Nội nhận được đơn tố giác kèm theo vi bằng của một tiểu thương về việc bị Nguyễn Kim Hưng và các nhân viên trong tổ bốc dỡ số 2 chợ Long Biên cưỡng đoạt hơn 1 tỷ đồng.

    Theo kết quả điều tra xác định từ tháng 3 đến tháng 9/2018, các bị can Hải, Long và Vương thu của tiểu thương tên Nga hơn 35 triệu đồng. Trong số này chỉ có 7,5 triệu đồng là tiền bốc dỡ hàng hóa. Số còn lại là tiền nhóm của Hưng “kính” bắt tiểu thương phải "làm luật".

    Để gây sức ép với chị Nga, Hưng đã chỉ đạo đồng phạm xua đuổi xe, không cho nhân viên cửa hàng bốc dỡ hàng hóa và đặt cá thối cạnh kiốt.

    Sau khi cưỡng đoạt hơn 35 triều đồng, nhóm của Tiến chỉ nộp cho Ban quản lý chợ gần 11 triệu đồng.

    Còn khoản tiền hơn một tỷ đồng chị Nga khai bị nhóm của Hưng chiếm đoạt từ 2010 đến 2017, các bị can không thừa nhận. Do chỉ có lời khai một phía của bị hại mà không có chứng cứ giao tiền, cơ quan công an đã tách nội dung này để điều tra, xử lý sau

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-thoi-su-moi-nong-nhat-hom-nay-662019-be-trai-4-tuoi-tu-vong-bat-thuong-tai-nha-tre-a278641.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan