Phú Yên: Người phụ nữ mắc COVID-19 trốn sau vườn nhà vì không muốn đi cách ly
Ngày 27/6, ông Tô Phương Bắc - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hoà, Phú Yên, cho biết: Vào lúc hơn 8h30 , các lực lượng chức năng đã tìm được ca bệnh mắc COVID-19 bỏ trốn là bà Đ.T.S (46 tuổi, ngụ khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa).
Trước đó, vào lúc hơn 22h ngày 26/6, UBND huyện Sơn Hòa nhận được thông tin cho hay bà Đ.T.S. có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Lập tức, các lực lượng chức năng huyện Sơn Hòa đến nhà bà S. để đưa đến Trung tâm Y tế huyện cách ly, điều trị. Nhưng khi lực lượng chức năng đến nơi, bà S. đã bỏ trốn.
Theo ông Tô Phương Bắc, bà S. là F1 của một bệnh nhân mắc COVID-19 có nhà ở đối diện nhà bà S. “Sau một đêm tìm kiếm vất vả, lực lượng chức năng đã phát hiện bà S. đang trốn sau vườn nhà mình”, ông Bắc cho hay.
Sáng 27/6, UBND thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) phát thông báo truy tìm bà S.- người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng đã bỏ trốn khỏi nhà.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Chủ tịch UBND thị trấn Củng Sơn, ngày 26/6, sau khi phong tỏa khu vực xóm Bãi Điều vì có các ca mắc COVID-19, lực lượng chức năng đã lấy mẫu để xét nghiệm với cư dân trong khu vực.
"Em trai bà S. là F1 nên đã được chúng tôi đưa đi cách ly, còn bà là F2 nên vẫn được cách ly tại nhà. Tuy nhiên khoảng 23h ngày 26/6, khi kết quả xét nghiệm cho thấy bà dương tính lần thứ nhất, lực lượng chức năng đến nhà để đưa bà đi cách ly điều trị thì thấy cửa mở nhưng bà không có trong nhà.
Lực lượng chức năng sau đó phát thông báo để người dân phát hiện, báo cơ quan chức năng đưa bà đi cách ly điều trị, tránh lây lan dịch bệnh.
TP.HCM: Tiểu thương chợ truyền thống phải ghi tên, số điện thoại người mua hàng
Chiều ngày 26/6, sở Công thương TP.HCM có công văn hỏa tốc về vấn đề tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với chợ truyền thống.
Tại văn bản này, sở Công Thương TP. HCM chỉ đạo đơn vị quản lý chợ thực hiện đúng hướng dẫn hoạt động kinh doanh với các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, tạm ngưng hoạt động đối với toàn bộ hàng hóa không thiết yếu. Đồng thời, thông báo cụ thể thông tin hàng hóa lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm hoạt động và khu vực tổ chức kinh doanh tại chợ để khách hàng, người dân được biết.
Sở cũng yêu cầu các chợ thực hiện nghiêm quy tắc 5K của bộ Y tế, triển khai tiểu thương thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ với đầy đủ thông tin: họ tên, số điện thoại liên lạc của khách hàng, thời điểm giao dịch trong ngày… để phục vụ việc truy vết, cách ly khi cần thiết.
Các chợ truyền thống phải thực hiện phong tỏa cửa phụ, lối đi phụ của chợ để phân luồng lối ra vào và tập trung nhân lực kiểm soát khu vực chính nhằm bảo đảm việc giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ thực hiện đủ các biện pháp phòng chống dịch; triển khai phương án phân luồng, di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách vào chợ bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1,5m cho người dân khi mua sắm.
Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế rà soát tổng thể các khu vực bán hàng tại chợ để có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn phù hợp.
Bên cạnh đó, tính toán, nghiên cứu thực hiện phương án phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ); tổ chức cho thương nhân kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ...Thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn đối với nền nhà, lối đi trong chợ và các khu vực công cộng bằng dung dịch tẩy rửa ít nhất 1 lần/ngày; thực hiện khử khuẩn toàn bộ khu vực chợ ít nhất 2 lần/tuần bằng các dung dịch sát khuẩn theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch thì xem xét, quyết định tạm dừng hoạt động.
Hưng Yên: Giãn cách xã hội huyện Yên Mỹ từ ngày 27/6
Đêm ngày 26/6, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 27/6 đến khi có thông báo mới, nhằm bổ sung các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Huyện Yên Mỹ chỉ đạo các địa phương trên địa bàn áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch.
Cụ thể, thực hiện theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã. Mọi người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết (mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu), đi làm việc (tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc bị dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Huyện yêu cầu không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu... mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Huyện Yên Mỹ cũng giao công an huyện phối hợp chặt chẽ với xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường nhân lực bảo đảm an ninh, an toàn cho khu vực phong tỏa và các khu vực xung quanh.
Các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả người dân trong khu vực phong tỏa và các trường hợp liên quan; khử khuẩn, truy vết để có biện pháp xử lý kịp thời; có phương án cung cấp lương thực và thực phẩm thiết yếu hỗ trợ cho người dân trong khu vực phong tỏa.
TP.HCM: Bệnh nhân COVID-19 tử vong, có bệnh lý nền nặng
Sáng ngày 27/6, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo ca tử vong 75 tại Việt Nam là bệnh nhân có mã số BN9779, nam, 80 tuổi, có địa chỉ tại quận Tân Bình, TP. HCM.
Tiền sử bệnh nhân tăng huyết áp, gout, hội chứng cushing (rối loạn nội tiết và chuyển hóa) do thuốc, đi lại khó khăn đã lâu. Bệnh nhân sống cùng nhà con mắc COVID-19, ngày 10/6 bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 kết quả dương tính, được nhập viện cách ly điều trị tại Bệnh viện quận Tân Bình.
Cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện khó thở được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM cấp cứu trong tình trạng sốt, khó thở, thở oxy gọng kính 3 lít/phút. Chẩn đoán vào viện: viêm phổi do COVID-19, biến chứng suy hô hấp tiến triển trên nền bệnh nhân gout, cushing do thuốc.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực thở máy, lọc máu, kháng sinh phổ rộng, kháng viêm, kháng đông, thuốc duy trì vận mạch. Tuy nhiên do tuổi cao, bệnh lý nền nặng, mặc dù được bệnh viện nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh không qua khỏi.
Bệnh nhân tử vong lúc 5h ngày 26/6. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên bệnh nhân tăng huyết áp, gout, cushing do thuốc.
Theo thông tin từ tiểu ban điều trị, tỉ lệ bệnh nhân có tiến triển nặng trong đợt dịch này là khá cao. Hiện tại các bệnh viện có tới 50 bệnh nhân nguy kịch, phải thở máy xâm nhập hoặc chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), có 10 người trong đó tiên lượng tử vong.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19, đến sáng ngày 27/6, 40 ca bệnh (BN15286-BN15325) ghi nhận tại TP.HCM: 18 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 1 ca liên quan đến Công ty Trung Sơn, 18 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Tân Phú Trung - Củ Chi, 3 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 25-26/6 dương tính với SARS-CoV-2.
Bạch Hiền (t/h)