Hải Dương: Anh trai đổ xăng đốt nhà khiến cả 2 tử vong
Ngày 24/10, Công an tỉnh Hải Dương cho biết Công an huyện huyện Cẩm Giàng cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân hai anh em ruột là ông V.X.S. (52 tuổi) và bà V.T.T. (49 tuổi), thiệt mạng trong đám cháy nhà.
Trước đó, khoảng 19h ngày 22/10, hai anh em ông V.X.S và bà V.T.T đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát tại nhà mẹ đẻ là cụ bà T.T.N. (87 tuổi, ở thôn Nghĩa, thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng).
Những nhân chứng chứng kiến vụ việc cho biết ông S. sau đó đã đổ xăng quanh sân nhà mẹ đẻ và cầm khò gas châm lửa. Do ông S. cầm khò gas nên không ai dám lại gần can ngăn. Khi ngọn lửa bùng lên, ông S. cũng bị ảnh hưởng.
Cuối cùng, cả hai anh em ông S. và bà T. đều đã tử vong trong đám cháy. Bên cạnh đó, một người hàng xóm vào can ngăn cũng bị thương tích ở đầu phải đi cấp cứu.
Được biết, bà T. ở cùng với mẹ, còn ông S. ở nhà giáp ngay phía sau.
TP.HCM: Chìm sà lan 800 tấn trên sông ở Cần Giờ, 1 người mất tích
Đến 9h ngày 24/10, lực lượng chức năng địa phương vẫn đang phối hợp lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM lặn tìm 1 người mất tích sau vụ chìm sà lan trên sông Gò Gia, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Cụ thể, vào khoảng 4h30 cùng ngày, sà lan mang số hiệu SG3069 gặp sự cố và bị chìm tại khu vực sông Gò Gia.
Công an huyện Cần Giờ cùng chính quyền địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Hiện trường vụ tai nạn ở vị trí nước chảy xiết độ sâu 30-40m. Vị trí sà lan chìm xuất hiện xoáy dưới nước rất nguy hiểm và nơi này cũng xảy ra nhiều vụ chìm sà lan.
Theo thông tin ban đầu, TTXVN đưa tin, vào khoảng 23h15 ngày 23/10, sà lan mang số hiệu SG3069 đang neo đậu tại khu vực sông Gò Gia, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ để xuống hàng từ tàu chở hàng quốc tịch Ireland thì xảy ra sự cố chìm.
Lúc này, trên sà lan có 5 thuyền viên, trong đó 4 thuyền viên đã kịp thời nhảy ra ngoài và bơi đến các phương tiện neo đậu gần đó, gồm: Ông Phạm Văn Chiều (SN 1970, thuyền trưởng), ông Nguyễn Văn Tánh (SN 1968, máy trưởng), ông Tăng Văn Phúc (SN 1988, thuyền viên) và ông Hồ Văn Thất (SN 1974).
Hiện còn 1 thuyền viên là ông P. S. L (SN 1999, quê Nghệ An) mất tích, nghi do bị kẹt trong cabin sau lái không thoát được ra ngoài.
Tại thời điểm sà lan bị chìm, trên phương tiện có 600 tấn mật và 2.000 lít dầu DO.
Lực lượng chức năng TP.HCM nhanh chóng tìm kiếm người mất tích và triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, chống tràn dầu.
Đến sáng 24/10, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07, Công an TP Hồ Chí Minh) đã điều động 2 phương tiện cùng 12 cán bộ, chiến sĩ xuống hiện trường phối hợp cùng Công an huyện Cần Giờ triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và tìm kiếm người mất tích.
Quảng Ngãi di dời hàng nghìn người dân trong đêm do lo ngại sạt lở
Tối ngày 23/10, Kinh tế & Đô thị dẫn lời ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong vòng 24 giờ qua, lượng mưa ghi nhận tại nhiều khu vực trong tỉnh đã vượt mức kỷ lục năm 2009.
Cụ thể, tính từ 19h ngày 22/10 đến 19h ngày 23/10, lượng mưa tại trung tâm TP. Quảng Ngãi là 532 mm/24 giờ. Lượng mưa này cao hơn kỷ lục cũ năm 2009 là 525mm/24 giờ. Tại Trà Khúc là 576 mm/24 giờ, cao hơn kỷ lục năm 2009 là 518 mm/24 giờ.
Ngoài ra, tại Châu Ổ cũng vượt xa kỷ lục năm 2009 với lượng mưa là 641 mm/24 giờ. “Năm 2009 có cơn bão rất mạnh số 9 - Ketsana đổ bộ trực tiếp, gây mưa lớn thì cũng dễ hiểu. Nhưng lần này, lượng mưa rất lớn lại có nguyên nhân là do không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió đông”, ông Sỹ cho hay.
Quảng Ngãi cũng đã tiến hành sơ tán hơn 800 hộ dân với khoảng 2.500 khẩu trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn. Trong đó huyện Trà Bồng 95 khẩu, huyện Trà Bồng hơn 2.400 khẩu, theo Tuổi Trẻ Online.
Ở khu vực hạ lưu sông Trà Bồng, nước lên rất nhanh, chính quyền địa phương đang huy động lực lượng di tản người dân đến nơi an toàn. Ông Lương Kim Sơn, bí thư huyện Bình Sơn, cho biết: "Hiện lực lượng cứu hộ đang di dời người dân vùng ngập sâu hạ lưu sông Trà Bồng để ứng phó với lũ được dự báo là lớn. Huyện đã lên phương án và sẵn sàng di dời dân khi cần".
Còn tại miền núi, các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ sạt lở bủa vây khắp nơi. Nặng nhất là tuyến đường từ đèo Eo Chim đi xã Trà Nham (huyện Trà Bồng) sạt lở dài khoảng 200m đường. Hơn 2.200 người bị cô lập.
VOV dẫn lời ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện uỷ Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hôm 23/10: “Ngày hôm nay, lãnh đạo huyện đã phân công đồng chí Chủ tịch UBND huyện đến hiện trường chỉ đạo việc cắm biển báo, cảnh báo người dân không được qua lại khu vực sạt lở. Chúng tôi huy động lực lượng phát dọn đường, tìm đường lối mòn đi vào tiếp cận bà con. Sáng mai, huyện sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào để đảm bảo cuộc sống bà con bên trong khu vực bị cô lập".
TP.HCM công bố cấp độ dịch tại 22 quận, huyện
Ngày 24/10, UBND TP.HCM đã có thông báo chính thức về cấp độ dịch trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Trong đó, theo UBND TP.HCM, tính đến ngày 24/10 kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn như sau:
- Đối với cấp TP.HCM: Cấp độ 2 (vùng vàng – nguy cơ trung bình).
- Đối với cấp quận, huyện và TP.Thủ Đức:
Đạt cấp độ 1: có 9/22 địa phương (vàng xanh – bình thường mới)
Đạt cấp độ 2: có 12/22 địa phương (vàng vàng – nguy co trung bình)
Đạt cấp độ 3: có 1/22 địa phương (vùng cam – nguy cơ cao).
Cụ thể, VnExpress thông tin các quận, huyện đạt cấp độ 1 - vùng xanh bao gồm: TP.Thủ Đức, quận Gò Vấp, Tân Bình, quận 1, quận 7, quận 8, quận 10, huyện Cần Giờ, Củ Chi. Các địa phương đại cấp độ 2 - vùng vàng bao gồm: quận 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh. Bình Tân là địa phương duy nhất tại TP.HCM đạt cấp độ 3 - vùng cam.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ căn cứ vào việc phân loại cấp độ địch để mở cửa trở lại một số hoạt động trên địa bàn. Cụ thể, ông Mãi thông tin: "TP.HCM đang chủ trương mở lại các dịch vụ nhưng sẽ mở từ từ, mở ở đâu, khi nào mở, quy mô thế nào là dựa trên đánh giá mức độ an toàn".
Theo đó, TP.HCM dự kiến trong tuần tới sẽ cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở cửa và phục vụ trực tiếp tại những địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19. Ông Mãi cho biết: "Tất nhiên, khi phải mở theo các Bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực thành phố đã quy định. Gốc của vấn đề là có nguy cơ hay không. Nếu đảm bảo kiểm soát được nguy cơ thì làm".
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố sẽ không ra "công thức chung áp dụng hết cho các địa phương". Thay vào đó, những nội dung cần liên thông sẽ liên thông nhưng có những việc thuộc địa bàn sẽ do chính quyền địa phương tự quyết.
Ông Phan Văn Mãi nói: "Ví dụ như khu vực này đạt cấp 1 rồi thì sẽ được mở nhiều dịch vụ hơn địa bàn còn ở nguy cơ mức 2, 3. Các hoạt động sinh kế cũng theo đó mà mở cửa. Tuy nhiên, do dịch đang diễn biến nên cứ theo nguyên tắc của Nghị quyết 128, địa bàn nào an toàn thì được mở".
Trước đó, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Trong đó, nghị quyết đã nêu rõ về việc phân loại độ dịch COVID-19 thành 4 cấp độ bao gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; Cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; Cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; Cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước đều đã công bố cấp độ dịch. Trong đó có 26 tỉnh, thành đạt cấp 1 (màu xanh, bình thường mới), gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bắc Giang; Bắc Kạn; Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
37 tỉnh, thành còn lại đạt cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình).
Không có tỉnh, thành cấp 3 (màu cam, nguy cơ cao) và cấp 4 (màu đỏ, nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn còn 14 huyện và 98 xã cấp 3; 2 huyện và 37 xã cấp 4.
Bạch Hiền (t/h)