Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 18/7/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 18/7/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Hàng loạt hộ nghèo ở Thanh Hóa tố bị giả mạo chữ ký, "ăn chặn" tiền hỗ trợ
Hàng loạt hộ nghèo tại xã Thượng Ninh tố bị giả mạo chữ ký, “ăn chặn” tiền hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật |
Phản ánh tới Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, một số hộ dân tại xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) cho biết, từ thời điểm năm 2018 họ không được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 102/2009/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ xã đã giả mạo chữ ký của dân để rút tiền ngân sách.
Cụ thể, trước đó, năm 2018, xã Thượng Ninh lập danh sách 297 hộ nghèo được nhận hỗ trợ tiền theo Quyết định 102. Theo danh sách này, người cấp tiền là bà Lê Thị Huệ (cán bộ bán chuyên trách Lao động thương binh & xã hội kiêm thủ quỹ), kế toán là ông Lê Hữu Nghĩa, còn người ký duyệt là ông Phùng Văn Tiến (Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh thời điểm năm 2018).
Những hộ nghèo này sẽ được hỗ trợ 80.000 đồng/ nhân khẩu (tiền mặt). Mục tiêu của chính sách là “Hỗ trợ đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn; Hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa, thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao”.
Theo danh sách nói trên, năm 2018, gia đình anh Bùi Văn Thương (SN 1967) thuộc diện hộ nghèo của xã Thượng Ninh, có 5 nhân khẩu, mỗi khẩu được hỗ trợ 80.000 đồng nên tổng số tiền hộ gia đình anh này được nhận là 400.000 đồng. Danh sách này có chữ ký nhận của anh Thương.
Tuy nhiên, trao đổi với Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, anh Thương tỏ ra khá bất ngờ khi biết tin mình có tên trong danh sách được cấp phát tiền hỗ trợ của xã Thượng Ninh từ năm 2018.
Anh Thương thông tin, do sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên nên nhiều năm gần đây gia đình mình thuộc diện “hộ nghèo bền vững”. Vợ anh phải ra Hà Nội làm thuê lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho chồng, còn mình ở nhà chăm sóc các con.
Tuy nhiên, anh Thương khẳng định gia đình mình năm 2018 không được nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo, chữ ký trong danh sách cấp tiền của xã không phải của anh mà do người khác giả mạo.
Cũng giống trường hợp của anh Thương, chị Bùi Thị Thoa (SN 1982), trú tại thôn Đồng Chanh, xã Thương Ninh cho biết, năm 2018, gia đình mình không hề nhận được tiền hỗ trợ hộ nghèo do xã cấp, chữ ký của anh Tiến (chồng chị) trong danh sách do xã Thượng Ninh lập là giả mạo.
Thời điểm này anh Tiến đang đi xuất khẩu lao động tại Malaysia thì không thể gặp cán bộ xã để ký tên.
Ngoài anh Thương, Chị Thoa thì còn có rất nhiều hộ nghèo của xã Thượng Ninh năm 2018 như: Quách Văn Vinh (thôn Đức Thắng), Bùi Thị Khỉn (thôn Đức Thắng), Bùi Văn Kỷ (thôn Đức Thắng), Bùi Văn Ngà … đều khẳng định hộ gia đình mình không nhận được tiền hỗ trợ hộ nghèo của Thủ tướng, chữ ký trong danh sách do xã lập là do người khác giả mạo.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Xuân Nhân – Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh cho biết, năm 2020, qua rà soát, xã phát hiện 11 hộ nghèo tại thôn Đồng Thanh chưa nhận được tiền hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ theo quyết định 102/QĐ- TTg, còn tại thôn Tiến Thành có 28 hộ nghèo bị cấp thiếu tiền hỗ trợ (chỉ cấp 67.000 đồng/hộ, thiếu 13.000 đồng/hộ).
Sau khi phát hiện, ông Nhân đã báo cáo sự việc lên Chủ tịch UBND huyện Như Xuân.
Để kịp thời bổ sung, đảm bảo quyền lợi cho người dân, ông Nhân và một số cán bộ cốt cán trong xã đã tự bỏ tiền túi (tiền quản lý các dự án mà cán bộ được hưởng theo quy định do xã làm chủ đầu tư) chi trả cho những hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ.
Theo ông Nhân, hiện xã đang chỉ đạo thành lập tổ rà soát do Trưởng Công an xã làm tổ trưởng, tiến hành rà soát tất cả các thôn trên địa bàn xã liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ hộ nghèo năm 2018.
“Hiện cô Lê Thị Huệ đã bỏ việc, không bàn giao hồ sơ và chúng tôi cũng không liên lạc được với cô này, anh Lê Hữu Nghĩa đã chuyển công tác qua xã khác, còn anh Phùng Văn Tiến (Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh, người ký duyệt vào danh sách quyết toán hỗ trợ hộ nghèo năm 2018 - PV) đã nghỉ hưu từ đầu năm 2019. Quan điểm của xã là sau khi rà soát sẽ chỉ trả bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho dân, ai chưa nhận thì sẽ trả cho họ. Tôi đã mời anh Tiến lên trao đổi và anh này cũng đã cam kết sẽ tự bỏ tiền túi ra trả cho dân” – ông Nhân thông tin.
Ông Nhân nhận định, chữ ký nhận tiền hỗ trợ của 297 hộ nghèo năm 2018 theo danh sách xã Thượng Ninh lập rất bất thường, nhiều khả năng là do một người ký; có rất nhiều hộ trong số này chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, sau khi nhận được thông tin trên, huyện đã chỉ đạo xã Thượng Ninh xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Hà Nội cấm nuôi lợn, gà ở 12 quận từ 1/8
Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ký, ban hành nghị quyết của HĐND thành phố quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8.
Theo đó, các khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, phục vụ thí nghiệm) gồm: Tất cả các quận thuộc thành phố; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây là: phường Sơn Lộc, phường Quang Trung, phường Ngô Quyền và phường Lê Lợi.
Các thị trấn của 5 huyện gồm: Thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng); thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh); thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm); thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì). Khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên huyện, thị xã cũng bị cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, nghị quyết của HĐND thành phố quy định hình thức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ chi phí học nghề tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học.
Thời hạn di dời hoặc chấm dứt hoạt động cơ sở chăn nuôi là từ khi nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2023.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các phường thuộc các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô (Đan Phượng, Hoài Đức; Đông Anh; Gia Lâm, Thanh Trì) hiện có hơn 200.000 con gia súc, gia cầm tại 3.400 trang trại. Có 3.300 hộ chăn nuôi với gần 100.000 con.
Song, các cơ sở tại các quận nội thành có số lượng chăn nuôi rất ít, hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn nuôi ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, khả năng lây lan dịch bệnh cao, nhiều mối nguy về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thành phố đánh giá điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển của đô thị. Vì vậy, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng hoặc nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.
Hà Nội: Người dân ngừng chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn
Người dân mở đường cho xe vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Lao động |
Trả lời PV Tạp chí Người đưa tin pháp luật, ông Nguyễn Văn Mạc - Bí Thư xã Nam Sơn cho biết, hiện tại, người dân 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn đã di dời khỏi điểm chốt chặn ra vào bãi rác Nam Sơn. Như vậy sau 4 ngày vận động, tuyên truyền người dân quanh bãi rác Nam Sơn đã thu dọn lều bạt, mở đường cho xe chở rác vào bãi rác này.
"Để tránh tình trạng các hộ dân tiếp tục tổ chức chặn xe rác, chính quyền địa phương mong muốn thành phố có chính sách bồi thường, hỗ trợ các phương án giải phóng mặt bằng và tiền đền bù hợp lý cho người dân sống trong vùng ảnh hưởng", ông Mạc nói.
Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến xác nhận thông tin trên và cho biết, dã có những xe chở rác của công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội vận chuyển rác đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Sau khi thông xe vào bãi rác, hoạt động vận chuyển rác trong nội đô lại diễn ra như bình thường.
Trong sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã trực tiếp về đối thoại với người dân. Buổi đối thoại có ông Đào Đức Toàn - Phó Bí thư thành ủy Hà Nội; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cùng các sở, ban, ngành TP.Hà Nội cùng lãnh đạo 3 xã (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) đã về tiếp xúc với người dân tại Hội trường UBND huyện Sóc Sơn.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo TP.Hà Nội đã trả lời trực tiếp người dân về chính sách di dời trong chỉ giới 0m - 500m tính từ phạm vi tường rào của Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, thời điểm và mức đền bù.
Sau khi lắng nghe những cam kết của lãnh đạo thành phố, người dân xã Nam Sơn, xã Hồng Kỳ đã dỡ lán, rút khỏi bãi rác Nam Sơn và xe chở rác trở lại hoạt động bình thường.
Thông tin mới nhất vụ 27 phi công Pakistan làm việc tại Việt Nam bị tạm đình chỉ bay
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Đại sứ quán Pakistan tại Hà Nội vừa phản hồi thông tin về bằng lái của các phi công Pakistan làm việc tại Việt Nam.
Cụ thể, ngày 7/7, Đại sứ quán Pakistan tại Hà Nội đã gửi công hàm số Pol –HN1 1/2020 liên quan về việc bằng lái của các phi công người Pakistan đang làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam.
Đại sứ quán Pakistan tại Hà Nội thông báo danh sách các phi công có bằng lái đã được Chính phủ Pakistan xác nhận hợp pháp và hiện đang có giá trị. Ngoài ra, phía Đại sứ quán thông báo tất cả các bằng lái máy bay CPL/ATPL do Nhà chức trách hàng không Pakistan cấp là thật và có giá trị. Không có bằng nào được coi là giả như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu.
Trước đó, sau khi có thông tin Pakistan phát hiện hàng trăm phi công nước này sử dụng một số giấy tờ nghi là giả, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đình chỉ hoạt động bay với 27 phi công Pakistan được cấp phép hoạt động bay tại Việt Nam. Trong số này, hiện có 12 người đang làm việc tại Việt Nam (số còn lại đã về nước trước đó). Sau đó, Cục Hàng không đã gửi thông tin các phi công cho nhà chức trách Pakistan để xác minh.
Theo báo Tiền Phong, Cục Hàng không cho biết, trường hợp Pakistan khẳng định tất cả những phi công nước này đang làm việc tại Việt Nam được cấp bằng một cách hợp pháp, hợp tiêu chuẩn quốc tế, Cục sẽ cho phép phi công bay lại.
Bạch Hiền (t/h)