Bình Dương: Làm rõ vụ một người tử vong sau khi 5 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận
Sáng 15/8, UBND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã tổ chức một cuộc họp khẩn với các đơn vị và cơ sở y tế trên địa bàn để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc một bệnh nhân tử vong do không được cấp cứu. Theo đó, phía UBND TPDĩ An cho biết trong chiều cùng ngày, cơ quan sẽ nhận báo cáo từ các cơ sở y tế và công bố thông tin chính thức về vụ việc.
Trước đó, VOV cho biết khoảng 21h tối 13/8, khi phát hiện ông N.D (57 tuổi, quê Trà Vinh) bị nôn ói, con gái ông đã hô hoán và được chủ nhà trọ nơi 2 cha con sinh sống giúp đỡ, mượn xe ba gác chở đến cơ sở y tế vì không gọi được cấp cứu.
Khi đến Trung tâm y tế thành phố Dĩ An, ông N.D đã bị trung tâm y tế từ chối tiếp nhận với lý do đang điều trị bệnh nhân COVID-19.
Sau đó, ông D tiếp tục được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Ngọc Hồng. Khi ấy, bệnh viện yêu cầu họ phải xét nghiệm COVID-19 mới cho cấp cứu. Hai cha con ông Dương được test nhanh COVID-19 với số tiền 700.000 đồng. Sau khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhân viên bệnh viện cho băng ca đưa ông Dương vào viện nhưng một lúc sau lại trả về vì không có bác sĩ, thiếu trang thiết bị y tế.
Tiếp đó, ông D được chở đi Bệnh viện Quân y 4 (Quân đoàn 4), Bệnh viện Đa khoa An Phú, Phòng khám Đa khoa tư nhân Nam Anh nhưng tất cả đều từ chối tiếp nhận với lý do bác sĩ đi chống dịch COVID-19 và bệnh viện không có đủ trang thiết bị y tế.
Tới 1h ngày 14/8, vì không có cơ sở y tế nào nhận ông N.D nên ông đã được đưa về phòng trọ. Tới khoảng 5h cùng ngày, ông D đã trút hơi thở cuối cùng.
Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, vào ngày 14/8, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám... không được từ chối bệnh nhân cấp cứu, đồng thời yêu cầu Sở phối hợp với các đơn vị thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, thậm chí xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra sai phạm.
Quảng Ngãi lập thêm bệnh viện dã chiến với 500 giường
Ngày 15/8, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định trưng dụng ký túc xá trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất làm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 (cơ sở 3).
Đây là bệnh viện thứ 3 tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, bệnh viện này quy mô 500 giường bệnh, có nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 từ ngày 17/8 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với sở Y tế cùng các ngành, địa phương điều phối, đảm bảo nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất... để bệnh viện dã chiến này điều trị bệnh nhân COVID-19 có hiệu quả.
Trước đó, ngày 5/7, Quảng Ngãi quyết định trưng dụng bệnh viện Lao và bệnh phổi làm Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (cơ sở 2).
Bệnh viện này có quy mô 150 giường bệnh, có nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ vừa và nặng trở lên.
Năm ngoái, địa phương này từng trưng dụng Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, cơ sở tại Khu kinh tế Dung Quất làm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Đồng Nai tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 31/8
Ngày 15/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh, đến hết ngày 31/8.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 17/8 đến hết 31/8 theo nguyên tắc: Người cách ly người, nhà cách ly nhà, xã cách ly với xã...
Cùng với đó, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo 1 trong 3 phương án gồm: “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” và linh hoạt cùng lúc áp dụng 2 phương án trên.
Bên cạnh đó, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, ngoại trừ: các lực lượng cấp cứu, cứu hỏa, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, cán bộ, phóng viên các cơ quan báo, đài, công nhân vệ sinh môi trường đô thị, lực lượng xử lý sự cố về : điện nước, cán bộ công chức người lao động làm việc tại các cơ quan nhà nước có giấy xác nhận của Thủ trưởng cơ quan; các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đăng ký luồng xanh đăng ký theo quy định.
Cùng ngày, giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết toàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 374 ca dương tính, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 lên 13.622 ca. Trong đó, có 2.864 bệnh nhân khỏi bệnh và 93 ca tử vong.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, từ nay đến ngày 31/8, địa phương sẽ huy động tổng lực thực hiện chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng cho khoảng 2,1 triệu người với mục tiêu bóc các F0 ra khỏi cộng đồng, tiến tới ngăn chặn lây lan của dịch bệnh; đồng thời tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
Việt Nam thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 theo công nghệ Mỹ
Sáng ngày 15/8, trường Đại học Y Hà Nội, đơn vị nhận thử nghiệm lâm sàng vaccine Arct-154, sẽ khởi động việc tiến hành tiêm mũi 1 vaccine cho 100 người tình nguyện tại Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng - trường Đại học Y Hà Nội, theo Tuổi Trẻ Online.
GS.TS Tạ Thành Văn, nghiên cứu viên chính, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, quy trình tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine được thực hiện theo đúng đề cương do bộ Y tế phê duyệt ngày 2/8.
Theo đó, giai đoạn 1 được thực hiện tại Đại học Y Hà Nội trên 100 người tình nguyện, giai đoạn 2 thực hiện trên 300 người tình nguyện tại các tổ chức nhận thử và tại cộng đồng ở các tỉnh triển khai nghiên cứu và giai đoạn 3 thực hiện trên 20.600 đối tượng (giai đoạn 3a với 600 người tình nguyện và 3b với 20.000 người tình nguyện).
Báo Lao Động trích lời ông Tạ Thành Văn cho biết: "Chỉ sau 2 ngày thông báo tuyển tình nguyện viên, chúng tôi đã thu nhận hơn 800 người đăng ký tham gia. Qua khám sàng lọc đã chọn được hơn 100 người đủ tiêu chuẩn".
Trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên được khám sàng lọc và làm các xét nghiệm. Theo đề cương nghiên cứu lâm sàng vaccine ARCT-154 đã được bộ Y tế phê duyệt, giai đoạn 1 sẽ được thực hiện trên 100 người tình nguyện khỏe mạnh phân nhóm ngẫu nhiên theo tỉ lệ 3:1 (75% ARCT-154 và 25% giả dược) với mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch.
Người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi vaccine ARCT-154 hoặc giả dược cách nhau 28 ngày. Các dữ liệu an toàn sau tiêm mũi 1 (Ngày 1) đến 7 ngày sau tiêm mũi 2 (Ngày 36) sẽ được đánh giá. Nếu dữ liệu này được Hội đồng Đạo đức đánh giá: vaccine ARCT-154 thể hiện tính an toàn, khả năng dung nạp tốt, sẽ xin phép cơ quan quản lý tiến hành sớm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
ARCT-154 là loại vaccine chứa RNA tự nhân bản, được cải tiến để có thể phòng, chống được các biến chủng nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma…. Đây cũng là loại vaccine thứ ba tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người, sau Nanocovax và Covivac.
Theo Thứ trưởng bộ Y tế Trần Văn Thuấn, vaccine này sử dụng công nghệ mRNA của Arcturus. Đây là công nghệ tương tự như vaccine Pfizer và Moderna đã được phê duyệt. Bộ Y tế mong muốn quá trình nghiên cứu cố gắng cuối năm hoàn thiện cả pha 3, gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine ở khu công nghệ cao Hoà Lạc, theo Tri Thức Trực Tuyến.
"Vaccine này được tổ chức thử nghiệm tại Đại học Y Hà Nội, chúng tôi rất tin tưởng và mong mỏi nghiên cứu sớm hoàn thiện để thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Bạch Hiền (t/h)