Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 15/8/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 15/8/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Lịch trình di chuyển của Phó Chủ tịch phường ở Đà Nẵng mắc Covid-19
Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Ngày 14/8, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng công bố lịch trình di chuyển của Bệnh nhân (BN) 897.
Theo đó, BN 897 tên N.V.S, nam, SN 1985, là Phó chủ tịch UBND phường Hòa An (quận Cẩm Lệ). BN 897 sống cùng gia đình tại địa chỉ K882 Trường Chinh, phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ).
Ngày 13/7, bệnh nhân có đi khám bệnh tại khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 21/7, gia đình bệnh nhân tổ chức tiệc đầy tháng cho con nên có mời người nhà đến dự và có tiếp xúc bệnh nhân gồm: ba mẹ ruột là N.V.C và H.T.H (xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), chị vợ Đ.T.B.N và dì L.T.K.C.
Trước khi giãn cách xã hội, hằng ngày bệnh nhân ăn sáng tại quán bún của bà L.T.K.C ở gần nhà (địa chỉ: K882 Trường Chinh và đi làm tại cơ quan (giờ hành chính), về nhà vào buổi trưa và chiều, tiếp xúc các đồng nghiệp tại cơ quan và những người trong gia đình.
Từ ngày 26/7 đến 10/8, hằng ngày bệnh nhân đi làm (giờ hành chính) tại cơ quan, thường xuyên cùng Đội quy tắc đô thị phường đi kiểm tra tại cộng đồng, chỉ đạo trật tự đô thị ở các chợ và nơi có tiểu thương buôn bán. Sau giờ làm việc, bệnh nhân về nhà vào buổi trưa và chiều. Hằng ngày, bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với các đồng nghiệp tại cơ quan, Đội quy tắc đô thị phường, Ban quản lý chợ Hòa An và những người trong gia đình.
Khoảng 2-3 ngày, sau khi đi làm về, khoảng 17h, BN 897 thường ghé mua bánh mỳ một lần tại tiệm bánh mỳ Anh Quân trên đường Tôn Đản (giáp ranh giữa phường Hòa An và phường Hòa Phát).
Trong thời gian này có chị N. và dì C. thường xuyên đến nhà chơi và tiếp xúc với BN 897 (không nhớ rõ ngày).
Ngày 30/7, 31/7 và 1/8 (ba ngày trước khi xuất hiện triệu chứng), BN 897 vẫn đi làm tại cơ quan và về nhà như bình thường.
Ngày 2/8 đến 3/8, BN 897 xuất hiện mệt thoáng qua, đau họng nhẹ và viêm amidan.
Ngày 11/8, UBND quận Cẩm Lệ có kế hoạch xét nghiệm diện rộng tại các cụm dân cư, nhóm đối tượng. Tại đây, BN 897 được lấy mẫu dịch hầu họng xét nghiệm và có kết quả mẫu gộp nghi ngờ với virus SARS-CoV-2.
Ngày 12/8, BN 897 được lấy mẫu dịch hầu họng xét nghiệm để khẳng định và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện tại, BN 897 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.
Bình Dương: Phát hiện hơn 2 triệu găng tay y tế tái chế chuẩn bị tiêu thụ ra thị trường
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương chiều nay (14/8) cho biết, đang tạm giữ hơn 2,5 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng, hơn 2 triệu găng tay đã tái chế không rõ nguồn gốc để xử lý theo quy định.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với lực lượng Cảnh sát kinh Công an tỉnh Bình Dương, Sở Y tế, Đội Quản lý thị trường TP Thủ Dầu Một kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Aim Laxmi (phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong công ty có hàng chục công nhân đang làm việc, tại khu vực sản xuất có hơn 2,5 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng, được phân loại chuẩn bị tái chế. Ngoài ra, trong công ty này còn có hơn 2 triệu găng tay y tế đã tái chế, chứa trong nhiều kiện hàng đã đóng gói, ghi nhãn mác bằng chữ nước ngoài chuẩn bị bán ra thị trường.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ số hàng trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý.
Gần đây nhất, một nhà xưởng 2.000 m2 tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình đang sản xuất khẩu trang giả và tái chế găng tay đã qua sử dụng đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Tại đây, hàng chục tấn găng tay y tế đã qua sử dụng được công ty BM (thuê mặt bằng tại công ty V-Link, khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình) thu gom về tái chế, đóng hộp, bán ra thị trường. Trên những chiếc găng tay vẫn còn nguyên chữ viết của các cơ sở y tế.
Chùm ca bệnh ở Hải Dương gia tăng nguy cơ thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng
Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh báo cáo tại cuộc họp chiều 14/8. Ảnh: VietNamNet. |
Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đã rà soát được 100.090 người về từ Đà Nẵng, trong đó số về từ ngày 15/7 là 77.150 người.
Tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tại tâm dịch Đà Nẵng vẫn ghi nhận các ca mắc mới và tử vong trong những ngày gần đây. Đặc biệt đã xuất hiện chùm ca bệnh tại Hải Dương liên quan đến bệnh nhân 867 chưa xác định rõ nguồn lây và không có mối liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.
Và trong thời gian tới, rất có thể xuất hiện thêm các ca mắc mới tại cộng đồng mà không rõ yếu tố dịch tễ liên quan. Từ những nhận định trên, sở Y tế Hà Nội đề nghị các cấp các ngành của Hà Nội cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố về công tác phòng chống dịch.
Giám đốc sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm: Với trường hợp bệnh nhân số 867 ở Hải Dương, bệnh nhân đến Hà Nội từ 12/7, sau đó trở về quê. Ngày 15/7, bệnh nhân đến hỗ trợ giúp việc cho con ở nhà hàng Thế giới bò tươi ở TP.Hải Dương... Ngày 30/7, bệnh nhân có triệu chứng, ngày 8/8, bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện 108.
"Hôm qua Hải Dương phát hiện 3 ca mắc Covid-19 mới, đều phục vụ tại nhà hàng bò tươi, có thể 3 trường hợp lây từ bệnh nhân 867. Hiện nay chúng ta khó khăn vì chưa phát hiện được chính xác nguồn lây ở đâu", ông Hiền đánh giá.
Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm PCR cho những người về từ Đà Nẵng, thì khi phát hiện ra ca bệnh, cần tập trung điều tra, xác minh truy vết những người tiếp xúc và có liên quan, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ; khẩn trương tổ chức hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc cách ly các trường hợp thuộc diện phải cách ly theo quy định.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác khám sàng lọc, phân loại người bệnh đến khám (lưu ý cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở mà không rõ yếu tố dịch tễ), thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca nhiễm Covid-19.
Thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm phòng tránh lây nhiễm trong các cơ sở y tế cũng như lây nhiễm từ các cơ sở y tế ra cộng đồng.
Trục xuất người đàn ông quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để lấy vợ
Trước đó, thực hiện chỉ đạo Giám đốc Công an TP.Hải Phòng về tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Qua công tác nắm tình hình, vào ngày 1/8, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với Đội An ninh - Công an huyện Thủy Nguyên kiểm tra, phát hiện một người nước ngoài là Poon Chung Leung (SN 1966, người Hồng Kông - Trung Quốc) đang tạm trú tại thôn Cống Đất, xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng mà không có thông tin khai báo tạm trú và thị thực nhập cảnh hợp lệ.
Làm việc với cơ quan chức năng, Poon Chung Leung khai nhận vào cuối tháng 12-2019 đã thuê người dẫn qua lối mòn biên giới từ khu vực tỉnh Đông Hưng, Trung Quốc sang TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi vào Việt Nam, Leung tạm trú tại khu vực TP Móng Cái với mục đích tìm hiểu thị trường để mở quán cà phê và tìm lấy vợ. Do có quen biết với ông Ngô Văn C. (46 tuổi, trú tại thôn Cống Đất, xã Hoa Động) nên ngày 29/7, Leung đã đến nhà ông này.
Ngày 31/7, Phòng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với Đội An ninh - Công an huyện Thủy Nguyên tiến hành kiểm tra, kịp thời phát hiện Poon Chung Leung nhập cảnh trái phép nên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm về hành vi "Người nước ngoài qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh" theo quy định. Cùng với việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, Poon Chung Leung cùng gia đình ông C. Ngay sau đó được đi cách ly tại cơ sở 2 bệnh viện Việt Tiệp trong 14 ngày.
Sau khi Leung có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona, Phòng quản lý xuất nhập cảnh và Công an huyện Thủy Nguyên đã thành lập tổ công tác dẫn giải, phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai làm các thủ tục buộc xuất cảnh đối với Poon Chung Leung về Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Bạch Hiền (t/h)