Hỗ trợ người lao động mắc COVID-19 nhận chế độ ốm đau
BHXH Việt Nam ban hành công văn yêu cầu tạo thuận lợi, giải quyết kịp thời, chính xác hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19. Theo đó, BHXH Việt Nam cho biết thời gian gần đây, số lượng hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19 tăng nhanh và dự kiến tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
BHXH Việt Nam yêu cầu bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi đối với người lao động bị mắc COVID-19 có đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 100, Luật BHXH năm 2014; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đến người lao động và đơn vị sử dụng lao động khuyến khích chi trả chế độ BHXH trực tiếp qua tài khoản cá nhân của người lao động để việc giải quyết và thụ hưởng chính sách được minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện.
BHXH Việt Nam yêu cầu tổ chức tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động theo quy định mới ngay sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định sửa đổi, bổ sung về hồ sơ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc COVID-19.
Người nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất phải âm tính với SARS-CoV-2
UBND TP.HCM có văn bản gửi các sở, ban, ngành, Cảng hàng không Miền Nam, Cảng vụ hàng hải TP, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất và các đơn vị liên quan về yêu cầu phòng, chống dịch với người nhập cảnh.
UBND TP yêu cầu người nhập cảnh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân kể cả chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP.
24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên và được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận.
Đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng hải TP, UBND TP cũng yêu cầu phải đáp ứng yêu cầu tương tự. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh) kể từ khi nhập cảnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
UBND TP cũng yêu cầu người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định. Đồng thời, tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Tiêm vaccine mũi 3 ở Quảng Ngãi có xu hướng chậm lại
Chậm nhất đến ngày 31/3, địa phương nào không hoàn thành công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời giải trình rõ trách nhiệm và lý do.
Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đặng Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đồng chí Đặng Văn Minh, thời gian qua, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 được tỉnh Quảng Ngãi xác định là rất quan trọng nên thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và đôn đốc thực hiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19 (mũi bổ sung, nhắc lại) trên địa bàn tỉnh có xu hướng chậm lại và không đạt tiến độ đề ra (mới chỉ đạt 62,5%), trong đó một số địa phương đạt thấp như: Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và Lý Sơn. Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền địa phương thiếu quyết liệt, chưa thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người cụ thể” để tiêm vaccine. Mặt khác, do sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đi làm ăn xa, học sinh, sinh viên trở lại học tập ngoài tỉnh, một số người mắc bệnh nền nên có tâm lý ngại tiêm mũi 3.
Hiện nay, qua thực tiễn phòng, chống dịch trên cả nước, Chính phủ đã khẳng định vaccine là lá chắn quan trọng nhất trong phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân thấy rõ lợi ích, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc tiêm vaccine phòng Covid-19.
Đồng thời, phải thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine mũi 3 phòng Covid-19 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12-17 tuổi (trừ trường hợp chống chỉ định), để sớm bao phủ vaccine trên toàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
ViệtHương (T/h)