Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 26/7/2018. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 26/7/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Kết quả chấm thẩm định môn Ngữ văn ở Sơn La: Bài thi 8,5 điểm giảm còn 4 điểm
Cuối giờ chiều ngày 24/7, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã cập nhật bảng thống kê các thí sinh có thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định môn Ngữ văn và có thông báo cho những thí sinh có điểm thi chênh lệch.
Hội đồng chấm thẩm định đã tiến hành chấm 110 bài thi môn Ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả chấm thẩm định cho thấy 42 bài thi có thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định, trong đó có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chẩm lần đầu từ 1,0 điểm trở lên. Trong số này có 1 bài có điểm thấp hơn 3 điểm và 1 bài là 4,5 điểm so với chấm lần đầu. Còn lại là 30 bài từ 0,25 đến 0,75 điểm.
Danh sách điểm sau khi chấm thẩm định môn Ngữ văn ở Sơn La. Ảnh: Trí Thức Trẻ |
Trước đó, ngày 23/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, căn cứ thực tế và theo quy chế, Tổ công tác Bộ GDĐT đã tiến hành các bước xử lý phù hợp.
Cụ thể, đối với bài thi môn Ngữ văn, Tổ công tác đã đối chiếu điểm thi trên bài thi của tất cả thí sinh với biểu kết quả chấm thi được in ra từ phần mềm hỗ trợ chấm (điểm đã nhập vào máy). Kết quả sau khi đối chiếu, cơ bản điểm ghi trên bài thi môn Ngữ văn với điểm trên máy tính giống nhau. Tuy nhiên, 17 bài thi có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm đã nhập vào máy (chênh lệch từ 0,25 đến 2 điểm).
Tổ công tác yêu cầu Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La tiến hành rà soát, đối chiếu, sửa chữa lại sai sót về việc nhập điểm của 17 bài thi môn Ngữ văn nói trên. Tiếp tục rà soát biểu điểm đã công bố toàn bộ điểm môn Ngữ văn với kết quả trên từng bài thi. Nếu có sai sót, đề nghị cập nhật sửa chữa và thông báo cho thí sinh được biết. Bên cạnh đó, Hội đồng chấm thẩm định đã tiến hành chấm thẩm định 110 bài thi môn Ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường theo quy định của Quy chế thi.
Hội đồng chấm thẩm định quyết định đối với môn Văn: Sử dụng kết quả chấm thẩm định của 110 bài thi môn ngữ văn để thay thế cho kết quả chấm các bài thi này do Hội đồng thi Sở GD-ĐT đã công bố ngày 11/7/2018. Kết quả chấm thẩm định của 110 bài này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm năm 2018.
Với các bài thi trắc nghiệm: Tạm thời vẫn công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của các thí sinh đã được công bố ngày 11/7/2018; Kết quả này tạm thời vẫn được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm năm 2018 theo quy chế.
Cô giáo bị phụ huynh đánh thủng màng nhĩ lại nhập viện vì liên tục ngất xỉu
Trao đổi với báo Lao Động, ngày 25/7, anh Lê Ngọc Hậu – chồng chị Nguyễn Thị Xuân Mai, giáo viên cơ sở mầm non Sen Hồng (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị phụ huynh đánh thủng màng nhĩ cho biết, vợ anh phải trở lại nhập viện vào ngày hôm qua (24/7) vì liên tục bị ngất xỉu.
Cô giáo bị phụ huynh đánh thủng màng nhĩ phải quay trở lại bệnh viện điều trị. Ảnh: Lao Động |
Theo đó, sau gần 1 tháng điều trị, chị Mai được bệnh viện cho về nhà nghỉ dưỡng và điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, chị Mai đã 2 lần ngất xỉu, buộc gia đình phải đưa vào Bệnh viện Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) điều trị trở lại.
Cuối tuần vừa qua, theo kế hoạch trước đó, chị Mai phải nén cơn đau để làm lễ cưới với anh Hậu. “Ngày hôm qua, vợ tôi đang ngồi chơi với mấy đứa trẻ thì bất ngờ lăn ra ngất xỉu, tay chân co cứng khiến cả gia đình rất lo lắng” – anh Hậu nói.
Theo chị Mai, tuần trước, chị được Công an thị xã Điện Bàn mời lên làm việc và thông báo kết quả giám định ban đầu. Theo đó, kết quả thương tích của chị Mai có tỉ lệ 9%. “Công an nói rằng, sau 3 tháng sẽ giám định lại để biết kết quả chính xác” – chị Mai cho biết.
Cơ sở mầm non Sen Hồng, nơi cô giáo mầm non bị phụ huynh đánh thủng màng nhĩ. Ảnh: Tiền Phong |
Như đã đưa tin trước đó, khoảng 17h30 ngày 21/6, khi cô Mai và các giáo viên khác tại cơ sở mầm non Sen Hồng đang giao trẻ cho phụ huynh thì anh Phan Minh Thuận đưa cháu Phan Thị Minh T. (5 tuổi, học sinh tại cơ sở mầm non) đến hỏi các giáo viên tại sao trên cơ thể của T. xuất hiện vết bầm. Sau khi xem vị trí bầm ở bẹn của cháu T., các giáo viên tại đây khẳng định không ai bạo hành và lí giải lí do có thể cháu bị té ngã.
Nghe xong, ông Thuận dẫn con về nhưng chưa đầy mười phút sau thì ông này trở lại cơ sở mầm non này cùng với một vài người khác. Đúng lúc này, cô Mai từ trong lớp chạy ra thì bị anh Thuận và Quy (em vợ Thuận) đánh đến ngất xỉu.
Khoảng 23h30 cùng ngày, cô Mai được bệnh viện cho về nhà tịnh dưỡng và tiếp tục theo dõi nhưng đến ngày 23/6, cô Mai liên tục bị đau đầu, choáng váng, buồn nôn nên phải vào Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) cấp cứu. Kết quả, các bác sĩ chẩn khám cô bị thủng màng nhĩ.
Đến trưa 29/6, gia đình đã làm thủ tục chuyển cô Mai ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để tiếp tục điều trị.
Ngày 3/7, Công an thị xã Điện Bàn đã triệu tập ông Thuận, ông Quy lên làm việc. Công an thị xã Điện Bàn cho biết, sẽ khởi tố bị can về hành vi “Cố ý gây thương tích” nếu kết quả giám định thương tích chị Mai trên 11%.
Nữ sinh bị cưa chân do tắc trách của bác sĩ đỗ Đại học Luật TP.HCM
Lê Thị Hà Vi (lớp 12A5, trường THCS&THPT Đông Du, tỉnh Đắk Lắk)- nữ sinh bị cưa chân do sự tắc trách của bác sĩ vừa chính thức đậu vào trường Đại học Luật TP.HCM.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Vi đạt 24,5 điểm: Văn - 7,75 điểm, Sử - 9 điểm và Địa - 7,75 điểm. Sau khi có điểm, Vi đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Luật TP.HCM, đạt 22,75 điểm. Đây là điểm sau quy đổi gồm điểm học bạ 10%, điểm thi THPT quốc gia 60%, điểm kiểm tra đánh giá năng lực 10%. Nữ sinh được cộng 0,75 điểm ưu tiên.
“Ngày em nhận được thông báo trúng tuyển, em với cả gia đình nhảy cẫng lên vì vui sướng. Em cũng điện thoại báo với các thầy cô để cùng chung vui và nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ mọi người. Em thực sự rất vui vì mình đã trở thành một tân sinh viên của trường ĐH Luật, nơi đây em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô đã giúp đỡ em rất nhiều suốt thời gian qua”, Hà Vi chia sẻ với Pv báo Dân Trí.
Vi rất vui vì đậu vào trường đại học mà mình mơ ước. Ảnh: Tri thức Trực tuyến |
Chia sẻ về bí quyết đạt được điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Hà Vi cho biết, đối với môn Lịch sử, em đã được chính cô giáo trên lớp truyền cảm hứng bằng những bài dạy hay, thiết thực kèm theo những câu chuyện lịch sử vô cùng thú vị. Riêng với môn Ngữ văn, Hà Vi cho rằng kiến thức ở sách giáo khoa rất quan trọng nên em luôn cố gắng, chăm chú các bài giảng trên lớp và đọc nhiều tài liệu, rèn thêm bằng cách tự làm các đề thi của các năm và tự củng cố kiến thức xã hội để áp dụng trong bài thi của mình.
Với môn Địa lý là môn học mà Hà Vi yêu thích và học tốt nhất nhưng em cho rằng kết quả thi môn Địa vừa qua em vẫn chưa thực sự hài lòng do tâm lý ngày thi hôm ấy em chưa thực sự tốt.
Ông Lê Văn Long (bố của Hà Vi) cho biết, ông rất vui khi con đậu đại học. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng khi con gái đi học ở TP.HCM vì chân vẫn còn yếu.
Trước đó, trưa ngày 6/3/2016, trên đường đi học về, em Lê Thị Hà Vi bị tai nạn giao thông, người gây ra tai nạn đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Sau đó, Vi được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin và được chẩn đoán vỡ mâm chày xương cẳng chân phải.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị tại đây, do sự tắc trách của bác sĩ đã khiến chân của Vi bị hoại tử và phải cưa bỏ hoàn toàn để bảo toàn tính mạng.
Vụ vỡ đập ở Lào: 24 công nhân Việt mắc kẹt được trực thăng giải cứu
Chiều 25/7, trao đổi với báo chí, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, toàn bộ 24 cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Nông trường số 12, Công ty Đại Thắng (Công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và 2 trẻ em là con em của nhân viên đã được đưa ra vùng an toàn bằng trực thăng doanh nghiệp này thuê.
Các công nhân được giải cứu đến nơi an toàn. Ảnh: Tri thức Trực tuyến |
Hiện sức khỏe và tinh thần của các công nhân đều ổn định và đang được tập đoàn hỗ trợ để di chuyển về Việt Nam.
Được biết, các cán bộ, công nhân trên bị cô lập sau vụ vỡ đập thủy điện tại huyện Paksong, tỉnh Champasak.
Để giải cứu các công nhân bị cô lập, Tâp đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã thuê trực thăng từ Vientiane, bay đến vùng có sự cố. Trực thăng đã xuất phát lúc 8h30 sáng nay (25/7). Do chiếc trực thăng có số lượng chỗ hạn chế nên việc vận chuyển những người mắc kẹt phải chia làm 3 đợt mới có thể hoàn tất.
Bên cạnh việc giải cứu công nhân của doanh nghiệp, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã thành lập đội cứu nạn gồm 10 bác sĩ, y sĩ, y tá với thuốc men và thiết bị, sẽ có mặt tại Attapeu chiều cùng ngày, phối hợp cùng đoàn cứu trợ của chính phủ Lào.
Trước đó, vào tối 23/7, đập của công trình thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu, Lào đổ sụp. Sự cố khiến nhiều vùng tại Lào bị nhấn chìm, hàng trăm người dân mất tích.
Nam thanh niên "táy máy" mở cửa thoát hiểm máy bay bị phạt 2 triệu đồng
Cụ thể, sự việc xảy ra vào ngày 9/7, trên chuyến bay BL212 của hãng hàng không Jetstar Pacific từ Đà Lạt đi Hà Nội. Theo đó, sau khi lên máy bay, nam hành khách P.V.H.L (SN 1993, Hà Nội) ngồi ghế số 12E đã tự ý mở nắp đậy tay cầm an toàn (cover) cửa thoát hiểm số 2, hệ thống đèn cảnh báo phát sáng và tiếp viên đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Ảnh minh họa |
Được biết, trước đó, anh L. đã được tiếp viên hướng dẫn quy định an toàn bay và cảnh báo không được mở cửa thoát hiểm.
Sau thao tác của hành khách, nhân viên kỹ thuật sân bay và cơ trưởng đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy cửa thoát hiểm chưa bị mở bung, vẫn bảo đảm thực hiện tiếp chuyến bay đi Hà Nội. Tuy nhiên, việc kiểm tra kỹ thuật khiến chuyến bay bị chậm 40 phút.
Hành động trên của anh L. đã bị Cảng vụ Hàng không miền Nam tại sân bay Liên Khương ra quyết định xử phạt với mức 2 triệu đồng theo quy định tại nghị định 147 của Chính phủ.
Trang Đời sống & Pháp luật Online cập nhật tin tức thời sự mới nhất trong 24h qua.
Hoàng Yên (T/h)