Tin tức thế giới mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức thế giới mới nhất ngày 7/2 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ chỉ trích Thượng viện khi “tha bổng” Tổng thống Trump
Bà Pelosi (phải) xé bản sao Thông điệp Liên bang hôm 4/2. Ảnh: AP |
Ngày 5/2, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã chỉ trích Thượng viện Mỹ khi “tha bổng” Tổng thống Donald Trump và nói rằng ông vẫn luôn luôn là "mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ".
Nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng lên án việc tha bổng ông Trump là bất hợp pháp vì "phiên tòa không có những yếu tố cơ bản nhất của một quá trình tư pháp công bằng". Bà Pelosi cáo buộc đảng Cộng hòa "phản bội Hiến pháp", đồng thời tuyên bố ông Trump vẫn luôn luôn là "mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ".
"Ngày hôm nay, Tổng thống và các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện đã bình thường hóa tình trạng vô pháp cũng như phủ nhận hệ thống kiểm tra và cân bằng Hiến pháp của chúng ta. Tổng thống vẫn luôn luôn là "mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ" bằng việc khẳng định ông ấy đứng trên luật pháp và mua chuộc các cuộc bầu cử nếu muốn", bà Pelosi gay gắt.
EU siết chặt quy trình gia nhập đối với các nước Balkan
Ảnh minh họa |
Hãng Reuters đưa tin Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất một quy trình chặt chẽ hơn đối với các quốc gia muốn gia nhập khối, quyết định được Pháp hoan nghênh.
Theo đó, các cuộc đàm phán có thể bị tạm dừng đối với một số khu vực nhất định hoặc bị đình chỉ chung. Các chương đàm phán đã đóng cũng có thể được mở trở lại. Serbia và Montenegro đã bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập và sẽ được tiếp tục hưởng các quy định như trước đây, nhưng các nước láng giềng phía Nam của họ có thể bị buộc phải xem lại một số vấn đề.
Trước đó, Pháp đã cho rằng Albania và CH Bắc Macedonia chưa đạt được các tiến bộ ngay cả sau khi EC đánh giá họ đáp ứng các tiêu chí của các cuộc đàm phán gia nhập. Brussels dự định công bố báo cáo về tiến trình đàm phán gia nhập của 2 nước này trước cuối tháng và muốn khẳng định các trường hợp trên có tương lai trong khối tại Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan vào cuối tháng 5.
Triều Tiên hủy kế hoạch tham dự Hội nghị An ninh Munich
Cảnh sát Trung Quốc gác tại một điểm kiểm soát trên cây cầu hữu nghị Trung - Triều ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV). Triều Tiên đã quyết định không tham dự Hội nghị An ninh Munich tại Đức vào ngày 14/2.
Trước đó, Triều Tiên dự kiến cử Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực châu Âu Kim Son-gyong tham dự Hội nghị trong 3 ngày kể từ 14/2.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-hwa và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo cũng sẽ tham dự sự kiện này, khiến dư luận kỳ vọng về khả năng diễn ra các tiếp xúc liên Triều và Mỹ - Triều.
Hội nghị An ninh Munich được tổ chức lần đầu tiên năm 1963, quy tụ quan chức Chính phủ và chuyên gia các nước, thảo luận về những vấn đề an ninh lớn trên toàn cầu. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên ngỏ ý tham dự sự kiện này.
Mộc Miên (T/h)