Tin tức thế giới mới nhất ngày 18/3: Nhật Bản diễn tập sơ tán dân sau vụ thử tên lửa Triều Tiên, Bênh ông Trump, thư ký Nhà Trắng 'cãi nhau' với phóng viên...
Nhật Bản diễn tập sơ tán dân sau vụ thử tên lửa Triều Tiên
Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức diễn tập bảo vệ công dân trong trường hợp tên lửa đạn đạo được phóng về phía nước này.
Hơn 100 người dân và học sinh tại thành phố duyên hải Oga, miền bắc Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập. Sự kiện bắt đầu từ 9h30, khi chính phủ cảnh báo lúc 9h30 về một vụ phóng tên lửa có thể xảy ra. Loa phóng thanh cảnh báo và kêu gọi người dân tìm chỗ trú ẩn trong nhà do các mảnh tên lửa có thể rơi xuống.
Nhật Bản diễn tập sơ tán người dân. Ảnh: Getty |
Cuộc diễn tập dựa trên kịch bản một quốc gia giả định phóng tên lửa rơi vào lãnh hải Nhật, ngoài khơi tỉnh Akita. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh mối đe doạ tên lửa gia tăng từ Triều Tiên.
Đầu tháng này, Triều Tiên phóng 4 tên lửa, trong đó ba quả rơi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Nhật, nơi nước này có quyền khai thác các nguồn lợi.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết điều quan trọng là "nâng cao nhận thức của công chúng" về cách ứng phó trong trường hợp có mối đe doạ tên lửa.
Trực thăng tấn công tàu biển, 31 người tị nạn thiệt mạng
31 người tị nạn Somalia đã thiệt mạng ngoài khơi bờ biển của Yemen, sau khi một chiếc máy bay trực thăng tấn công thuyền của họ.
Reuters dẫn lời đại diện lực lượng bảo vệ bờ biển tại thành phố cảng Hodeidah (Yemen), Mohamed al-Alay, ngày 17/3 cho biết: Con tàu gặp nạn khi đang trên đường chở những người tị nạn, mang theo hồ sơ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), từ Yemen đến Sudan vào cuối ngày 16/3.
Khu vực eo biển Bab al-Mandeb. Ảnh: Getty |
Đến gần eo biển Bab al-Mandeb (giữa châu Phi và châu Á), một máy bay trực thăng chiến đấu Apache bất ngờ xuất hiện và tấn công con tàu.
Hậu quả, 31 người tị nạn Somalia thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. 80 người khác may mắn sống sót và cập bến an toàn, theo một thủy thủ trên con tàu. Hiện chưa rõ ai đứng đằng sau vụ tấn công.
Được biết, khu vực Hodeidah trên Biển Đỏ thuộc quyền kiểm soát của phiến quân Houthi kiểm soát.
Năm 2014, nhóm này đã tấn công vào thủ đô Sanaa của Yemen, buộc Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi, được chính phủ Ả Rập hậu thuẫn, phải trốn lưu vong.
Bênh ông Trump, thư ký Nhà Trắng 'cãi nhau' với phóng viên
Cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/3 đã diễn ra trong không khí căng thẳng với những chất vấn liên quan tới vụ Tổng thống Donald Trump tố cáo rằng ông bị người tiền nhiệm Obama nghe lén trong suốt thời kỳ tranh cử.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tỏ ra giận dữ trước những câu hỏi dồn dập của các phóng viên, trong đó có phóng viên Jonathan Karl của ABC và Jim Acosta của CNN, người mà tổng thống Trump từng từ chối trả lời phỏng vấn. Ông Trump cũng từng cáo buộc CNN là đưa tin tin giả mạo.
Phóng viên Karl đã bắt đầu bằng chất vấn ông Spicer về tuyên bố hôm 16/3 của lãnh đạo Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng "không có dấu hiệu nào" cho thấy ông Trump đã bị nghe lén.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer. Ảnh: Getty |
Trước những chất vấn của Karl, ông Spice đã diễn giải khá dài dòng (hơn 1 phút) rằng, các cơ quan truyền thông không nên đưa những thông tin tương tự như thế này. Ông cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump đã nói nhiều về điều này trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ tư với nhà báo Tucker Carlson của Fox News.
Trong lúc tranh luận với Karl, có lúc ông Spice lớn tiếng như hét.
Nhà báo Karl lại tiếp tục chất vấn rằng nếu Ủy ban tình báo của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều khẳng định những cáo buộc của ông Trump là không đúng sự thật, liệu ông Trump có giữ nguyên cáo buộc của mình.
Người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết, các lãnh đạo Ủy ban tình báo của hai viện sẽ không đưa ra những tuyên bố mà họ không có đầy đủ thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền. Rồi ông quay lại hỏi nhà báo Karl tại sao ông không đến các cơ quan tình báo của Bộ quốc phòng mà hỏi.
Pháp điều tàu sân bay, “gửi thông điệp” đến Trung Quốc
Hai nguồn tin cho biết Pháp sẽ điều một trong những tàu sân bay đổ bộ lớp Mistral hùng mạnh dẫn đầu cuộc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương với mục đích phô trương sức mạnh quân sự nhằm vào Trung Quốc.
Một trong những tàu sân bay đổ bộ lớp Mistral của Pháp. Ảnh: SPH |
Tham gia trong cuộc diễn tập trong và quanh đảo Tinian này còn có các binh sĩ Nhật Bản và Mỹ cũng như hai trực thăng quân sự của Anh. Nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, đảo Tinian thuộc quần đảo Bắc Maniana, cách Tokyo khoảng 2.500 km về phía Nam.
Một trong hai nguồn tin nói với hãng tin Reuters: “Thay vì chỉ tập trận hải quân, cuộc diễn tập đổ bộ lần này sẽ phát đi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc”. Nguồn tin cho hay cuộc diễn tập diễn ra vào tuần thứ 2 và 3 của tháng 5.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Nhật Bản có tham gia cuộc tập trận đổ bộ chung với Pháp, Mỹ và Anh hay không, một phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra.