Tin tức Syria mới nóng nhất hôm nay (20/8): Pháp kêu gọi Nga tôn trọng thoả thuận ngừng bắn; Đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib bị trúng không kích …
Pháp kêu gọi Nga tôn trọng thoả thuận ngừng bắn
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về Syria. Ảnh: Getty |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, kêu gọi Moscow tôn trọng thoả thuận ngừng bắn ở khu vực Tây Bắc Syria - nơi SAA được Moscow hậu thuẫn đang dẫn đầu cuộc tấn công quân sự quy mô lớn.
Hôm qua (19/8), hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ tại khu vực bờ biển phía Nam nước Pháp trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần này. Tổng thống Pháp đã bày tỏ sự "lo lắng sâu sắc" về chiến dịch ném bom ở Tây Bắc Syria. "Dân số ở Idlib đang sống dưới bom, trẻ em đang thiệt mạng mỗi ngày", ông Macron nói. "Điều quan trọng là lệnh ngừng bắn thỏa thuận ở Sochi phải được áp dụng vào thực tế".
Thỏa thuận Sochi được ký vào tháng 9/2018 giữa Nga - đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hỗ trợ một số nhóm phiến quân trong khu vực. Thỏa thuận nhằm ngăn chặn cuộc tấn công tiềm năng của quân đội Syria trong bối cảnh Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế liên tục cảnh báo nếu trận chiến cuối cùng diễn ra sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 4/2019, SAA được Nga hậu thuẫn đã tăng cường bắn phá ở Idlib và một số vùng lân cận khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng và hàng trăm ngàn người khác phải di rời.
Đáp lại những bình luận của ông Macron, ông Putin nói rằng Nga ủng hộ các hoạt động của quân đội Syria ở Idlib: "Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của quân đội Syria nhằm chấm dứt các mối đe dọa khủng bố ở Idlib. Chúng tôi chưa bao giờ nói rằng những kẻ khủng bố ở Idlib sẽ được tha thứ”.
Đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib bị trúng không kích
Đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ trúng không kích tại Idlib. Ảnh minh hoạ: Getty |
Hôm qua (19/8), Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một số lượng đáng kể xe tăng và quân đội vào sâu trong lãnh thổ Syria, cụ thể là nỗ lực tiếp cận thị trấn Khan Sheikhun (Idlib) - nơi 92 người chết trong một cuộc tấn công bằng khí sarin năm 2017. Tuy nhiên, cuộc tiến công của họ bị chậm lại bởi các cuộc không kích của quân đội chính phủ Syria (SAA) với sự hỗ trợ của Nga.
Ankara sau đó tuyên bố đoàn xe của họ đang đi tới các tiền đồn đã được thiết lập trong khu vực theo thỏa thuận với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc cuộc không kích là nhằm vào đoàn xe của họ, giết chết ít nhất 3 dân thường. Mặc dù vậy, một số nguồn tin khác lại cho biết 3 người thiệt mạng là phiến quân.
Sự can thiệp mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại thời điểm then chốt trong cuộc chiến giành lại “chảo lửa” Idlib – thành trì cuối cùng của phiến quân đối lập của Damascus. Về phần mình, các quan chức Syria tuyên bố đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ đang vận chuyển đạn dược và nhu yếu phẩm cho các nhóm vũ trang.
IS đang lấy lại sức mạnh ở Iraq và Syria
Khủng bố IS chỉ tạm giữ khoảng cách với khu vực đô thị, đang tìm cách trỗi dậy một lần nữa ở Iraq và Syria? Ảnh minh hoạ: Getty |
Đã 5 tháng trôi qua sau khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn lật đổ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi lãnh thổ cuối cùng mà chúng chiếm đóng ở Syria. Nhóm cực đoan được cho là đang tập hợp sức mạnh mới, tiến hành các cuộc tấn công du kích trên khắp Iraq và Syria, trang bị lại mạng lưới tài chính, nguồn tin từ quân đội và tình báo Mỹ, Iraq tiết lộ.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố một thất bại hoàn toàn của IS vào tháng 3/2019, các quan chức quốc phòng trong khu vực nhìn nhận mọi thứ khác đi, thừa nhận rằng những tàn dư còn lại của nhóm khủng bố vẫn gây nguy hiểm.
Một báo cáo của Tổng thanh tra gần đây đã cảnh báo rằng quyết định rút quân của ông Trump cũng đồng nghĩa với việc Mỹ phải giảm hỗ trợ cho lực lượng đồng minh địa phương ở Syria trong nỗ lực chống IS. Hiện tại, các lực lượng của Mỹ và quốc tế chỉ có thể cố gắng đảm bảo rằng IS cách xa khu vực thành thị.
Trước đây, IS từng chiếm giữ khu vực có diện tích tương đương với nước Anh và kiểm soát cuộc sống của 12 triệu người. Ngày nay, nhóm khủng bố vẫn huy động tới 18.000 chiến binh còn lại ở Iraq và Syria. Chúng không ngừng các cuộc tấn công du kích, phục kích, bắt cóc và ám sát chống lại lực lượng an ninh cùng các nhà lãnh đạo cộng đồng.
Chúng vẫn có thể khai thác một “chiếc rương chiến tranh” lớn trị giá tới 400 triệu USD, đã được giấu ở cả Iraq và Syria hoặc gửi tại các nước láng giềng để giữ an toàn. Người ta cũng tin rằng IS đã đầu tư vào các doanh nghiệp, bao gồm nuôi cá, buôn bán xe hơi và trồng cần sa. Trong nhiều tháng qua, ISIS đã xâm nhập vào một khu lều trại rộng lớn ở phía Đông Bắc Syria.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Guardian, Aljazeera, Stuff)