Thương vong vì đạn chùm ở Ukraine vượt Syria
Theo thông tin mới nhất từ The hill, ngày 5/9, Cơ quan Giám sát Đạn chùm (CMM) đã công bố báo cáo thường niên cho thấy 916 trường hợp thương vong do loại vũ khí này gây ra ở Ukraine, trong đó 890 vụ do tập kích, 26 vụ do đạn con không nổ trong năm 2022.
Như vậy, Ukraine đã vượt Syria trở thành quốc gia có số thương vong cao nhất do loại vũ khí này gây ra trong năm 2022. Cơ quan Giám sát Đạn chùm cũng lưu ý một số người bị thương hoặc thiệt mạng do đạn chùm có thể không được ghi nhận do diễn biến phức tạp của chiến sự.
Trên toàn thế giới, tổng cộng 1.175 người thương vong do đạn chùm ở 8 quốc gia trong năm 2022, mức cao nhất kể từ khi CMM ghi nhận dữ liệu năm 2010. Trước đó, Syria ghi nhận thương vong do đạn chùm cao nhất trong giai đoạn 2012-2021, thời điểm giao tranh diễn ra căng thẳng ở nước này giữa quân đội chính phủ và các nhóm đối lập cũng như phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
CMM cho rằng thương vong "đáng báo động" do đạn chùm năm 2022 tại Ukraine do cả Moscow và Kiev đều sử dụng loại vũ khí này trên chiến trường.
Đạn chùm hay Đạn Thông thường Đa dụng Cải tiến (DPICM), chứa hàng trăm quả đạn con bên trong. Mỗi quả đạn con được trang bị một đầu nổ lõm xuyên giáp, bao quanh là phần vỏ kim loại có thể vỡ vụn thành nhiều mảnh và bắn ra xung quanh với tốc độ cực cao khi đầu đạn chính phát nổ.
Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải nhiều quả đạn con trên diện tích tương đương vài sân bóng đá, gây sát thương cao. Bất cứ ai đứng trong khu vực đạn chùm phát nổ đều có khả năng thiệt mạng hoặc chịu thương tật nặng.
Đạn con có thể gặp trục trặc với ngòi nổ, khiến chúng không kích hoạt và rơi xuống đất hoặc vướng vào các lùm cây, nằm rải rác trên khu vực rộng lớn mà không được xác định vị trí. Chúng có thể gây thương vong cho dân thường, đặc biệt là trẻ em, nhiều năm sau khi chiến sự kết thúc.
Hơn 120 quốc gia đã ký Công ước về Đạn chùm, trong đó cấm sản xuất, tích trữ, sử dụng và chuyển giao chúng. Khoảng 99% kho bom, đạn chùm trên thế giới đã được tiêu hủy từ khi công ước có hiệu lực vào năm 2008. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và Ukraine đều từ chối tham gia thỏa thuận này.
Mỹ cảnh cáo Triều Tiêntrả giá nếu cung cấp vũ khí cho Nga
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 5/9 tuyên bố, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đã cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Nga, nhưng các cuộc đàm phán giữa hai nước nhằm hướng tới mục tiêu này đang "tiến triển tích cực".
"Cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng trên chiến trường để tấn công các kho chứa ngũ cốc và hạ tầng sưởi ấm tại các thành phố lớn khi mùa đông đang tới gần, nhằm tìm cách kiểm soát lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền sẽ không tác động tốt đối với Triều Tiên. Họ sẽ phải trả giá cho điều này trong cộng đồng quốc tế", ông Sullivan nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Ông Sullivan nhấn mạnh rằng, Bình Nhưỡng đã công khai cam kết không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho Nga và tiếp tục kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các cam kết đó.
Tuyên bố của quan chức Nhà Trắng được đưa ra sau khi New York Times dẫn nguồn tin từ Mỹ và các đồng minh nói rằng, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể rời Bình Nhưỡng bằng đoàn tàu bọc thép để tới thành phố Vladivostok của Nga và hội đàm với Tổng thống Putin.
Theo nguồn tin này, chuyến thăm nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên. Thông tin xuất hiện giữa lúc có đồn đoán rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận việc Bình Nhưỡng cung cấp trang thiết bị quân sự cho Moscow, đổi lại, Moscow sẽ chia sẻ công nghệ phát triển vệ tinh và tàu ngầm hạt nhân.
Triều Tiên được cho là đang thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Nga. Trong thông điệp gửi đến Tổng thống Vladimir Putin dịp Quốc khánh Nga, chủ tịch Kim Jong-un gọi quan hệ giữa hai nước là "tài sản chiến lược" và Bình Nhưỡng sẽ không ngừng nỗ lực để vun đắp mối quan hệ đó.
Ông Kim cũng bảo vệ quyết định của ông Putin về việc tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang "giai đoạn mới mang tính quyết định".
Phương Uyên(T/h)