Mỹ không ủng hộ ngừng bắn tại Dải Gaza
“Ngừng bắn không phải câu trả lời đúng đắn vào lúc này. Chúng tôi không ủng hộ lệnh đình chiến hoàn toàn", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết hôm 30/10 khi đề cập những lời kêu gọi chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza.
Quan chức Nhà Trắng đề xuất tiến hành những đợt "tạm ngừng giao tranh" để đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào Dải Gaza. "45 xe chở hàng đã đi qua cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập trong hôm qua. Israel đang cố tăng con số này lên 100. Chúng tôi tự tin có thể đạt mức này trong những ngày tới", ông Kirby nói.
Trong khi đó, các lãnh đạo Israel đến nay chưa thể hiện ý định ngừng bắn, liên tục khẳng định mục tiêu ưu tiên là loại bỏ Hamas và Tel Aviv vẫn sẵn sàng bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn vào Dải Gaza.
Mỹ là đồng minh thân thiết của Israel, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định giới chức Israel tự mình quyết định hoạt động quân sự và Washington nhiều lần kêu gọi Tel Aviv bảo vệ thường dân trong khu vực. Ông Biden tuần trước nói rằng mọi cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Gaza chỉ có thể tiến hành nếu Hamas trả tự do cho tất cả con tin mà họ đã bắt.
Trong phiên họp ngày 27/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi "thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững hướng đến chấm dứt chiến sự", do Jordan đại diện cho 22 nước Arab đệ trình. Nghị quyết nhận được 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng, không mang tính ràng buộc.
Liên Hợp Quốc ngày 29/10 cảnh báo trật tự dân sự tại Dải Gaza bắt đầu sụp đổ khi hàng nghìn người tràn vào các kho lương thực, lấy đi bột mì và các nhu yếu phẩm khác. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chỉ trích Israel "tăng cường hoạt động quân sự thay vì tạm ngừng bắn nhân đạo, điều cực kỳ cần thiết và được thế giới ủng hộ".
Ông Putin cáo buộc phương Tây kích động bạo loạn tại sân bay Nga
“Vụ việc ở Makhachkala bị kích động qua mạng xã hội từ lãnh thổ Ukraine theo sự chỉ đạo của tình báo phương Tây",Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp với nội các và lãnh đạo quốc hội ngày 30/10 về tình hình tại Cộng hòa Dagestan thuộc Nga.
Ông Putin cáo buộc Mỹ và các nước đồng minh đứng sau cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông và những nơi khác trên toàn cầu để đảm bảo sự thống trị liên tục của Washington và ngăn chặn các đối thủ như Nga giành lấy vị trí của họ trong một thế giới đa cực mới.
Ông nhấn mạnh, Nga không chỉ dẫn đầu nỗ lực tạo ra một thế giới đa cực thực sự gồm các quốc gia có chủ quyền, mà còn chiến đấu vì điều đó trên chiến trường Ukraine.
Những bình luận trên đưa ra sua vụ bạo loạn tại sân bay Makhachkala ở Cộng hòa Dagestan thuộc Nga. Ngày 29/10, hàng trăm người biểu tình đã xông vào sân bay Makhachkala sau khi có chuyến bay thường lệ từ Tel Aviv (Israel) đến trong bối cảnh tình hình ở Trung Đông leo thang căng thẳng.
Trong video được lan truyền trên mạng xã hội, những người biểu tình đã đập phá cửa kính, xông vào sân bay. Một nhóm đã "thẩm vấn" nhiều người tại nhà ga của sân bay để xác định xem họ có phải người Do Thái hay không. Những người biểu tình đồng thời tiếp cận những chiếc máy bay vừa hạ cánh, tìm cách vào trong.
Vụ hỗn loạn khiến hơn 20 người bị thương, 60 người bị bắt giữ. Sân bay Makhachkala buộc phải tạm ngừng hoạt động. Chính quyền Dagestan sau đó cho biết, tình hình đã được kiểm soát. Toàn bộ hành khách đều an toàn và sân bay dự kiến khôi phục hoạt động vào hôm nay 31/10.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/10 cho rằng, vụ việc này "chủ yếu do sự can thiệp từ bên ngoài". Theo ông, với những gì đang diễn ra trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, "kẻ xấu rất dễ lợi dụng tình hình để khiêu khích, xúi giục".
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, vụ việc ở Dagestan là kết quả của một hành động khiêu khích được lên kế hoạch và thực hiện từ bên ngoài nhằm "phá hoại sự phát triển hài hòa cũng như sự đoàn kết dân tộc - tôn giáo của người dân Nga".
Trong khi đó, Ukraine nói vụ bạo loạn ở sân bay Makhachkala là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa bài Do Thái ở Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng Ukraine kích động vụ bạo loạn ở sân bay của Nga.
Phương Uyên(T/h)