Mỹ có nữ tư lệnh Hải quân đầu tiên trong lịch sử
Hãng tin BBC đưa tin, Thượng viện Mỹ ngày 2/11 đã thông qua đề cử bà Lisa Franchetti thành tư lệnh Hải quân. Động thái này đã làm nên lịch sử khi bà vừa là nữ tư lệnh hải quân đầu tiên, vừa là người phụ nữ đầu tiên gia nhập Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Bà Franchetti được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử vào chức vụ trên hồi tháng 7. Sau đó, bà đã nắm chức quyền tư lệnh Hải quân trong khoảng thời gian chờ đợi Thượng viện phê chuẩn. Ông Biden đánh giá cao 38 năm phục vụ trong quân ngũ của bà Franchetti.
"Trong suốt sự nghiệp, Đô đốc Franchetti đã thể hiện chuyên môn sâu rộng trong cả lĩnh vực hoạt động và chính sách", ông Biden giải thích, đồng thời lưu ý rằng bà là người phụ nữ thứ 2 từng đạt được cấp bậc đô đốc bốn sao trong Hải quân Mỹ. Bà từng là tư lệnh Hạm đội 6 của Mỹ và lực lượng Hải quân Mỹ tại Hàn Quốc, cũng như chỉ huy một nhóm tác chiến tàu sân bay.
Đô đốc Franchetti không phải là người phụ nữ đầu tiên được chọn để lãnh đạo một nhánh của quân đội Mỹ. Năm ngoái, ông Biden đã chọn Đô đốc Linda Fagan làm tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Tuy nhiên, Tuần duyên Mỹ không phải là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng mà nằm dưới sự quản lý của Bộ An ninh Nội địa. Vì vậy, bà Franchetti đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một nhánh quân sự thuộc Lầu Năm Góc.
Đức bàn giao thêm 25 xe tăng Leopard cho Ukraine
Chính phủ liên bang Đức mới đây tiết lộ Berlin đã gửi cho Ukraine thêm 25 xe tăng Leopard. Theo thông cáo báo chí, lô hàng mới nhất này nâng tổng số lượng xe Berlin bàn giao cho quốc gia Đông Âu lên 115 chiếc.
Đức và Đan Mạch đã bắt tay vào một dự án hợp tác nhằm cung cấp cho Kiev các phiên bản cũ của xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5. Lô hàng gần đây nhất cũng bổ sung thêm gần hai chục máy bay không người lái trinh sát và 5 tàu không người lái mới cho Ukraine. Berlin cũng chuyển cho Kiev tổng cộng 12 xe bọc thép mới và 6 radar giám sát, cùng với khoảng 30 xe tải quân sự và 30.000 bộ quần áo mùa đông.
Theo dữ liệu của chính phủ, Berlin dự kiến phân bổ 5,4 tỷ euro (5,73 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Kiev trong năm nay. Hầu hết số tiền này sẽ được dành riêng để cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine.
Tuy nhiên, một phần ngân sách sẽ được dành để thay thế tài sản quân sự của Đức và hỗ trợ Cơ sở Hòa bình châu Âu (EPF). EPF chi trả các chi phí mà các thành viên EU phải chịu trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quân sự thiết yếu cho Ukraine.
Năm tới, Đức có kế hoạch tăng gần gấp đôi số tiền chi để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Theo dữ liệu của chính phủ, các cam kết hỗ trợ quân sự của nước này cho năm 2024 đã lên tới khoảng 10,5 tỷ euro (11,15 tỷ USD).
Những số liệu mới được đưa ra vài tháng sau khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu. Hoạt động khởi động với một chiến dịch hỗ trợ quân sự lớn của phương Tây cho Kiev, khi Mỹ và các đồng minh cung cấp hàng trăm vũ khí hạng nặng.
Theo ước tính mới nhất do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, quân đội Ukraine mất hơn 90.000 binh sĩ thiệt mạng và bị thương, cũng như khoảng 600 xe tăng và hơn 1.900 xe bọc thép các loại, kể từ ngày 4/6.
Phương Uyên(T/h)