Ấn Độ triển khai nhiều vũ khí Mỹ tới sát biên giới với Trung Quốc
Bloomberg đưa tin, các vũ khí được quân đội Ấn Độ tăng cường cho khu vực vực biên giới được bố trí chủ yếu quanh cao nguyên Tawang phía đông bắc nước này, giáp biên giới với Bhutan và vùng Tây Tạng (Trung Quốc). Chúng bao gồm trực thăng Chinook, lựu pháo M777 cùng các loại súng trường do Mỹ chế tạo, bên cạnh các loại tên lửa hành trình do Ấn Độ tự phát triển.
Những vũ khí hạng nặng trên đều được Ấn Độ mua lại từ Mỹ trong vài năm gần đây, khi quan hệ quốc phòng giữa hai nước được củng cố. Trung tướng Manoj Pande, Tư lệnh quân khu miền Đông của quân đội Ấn Độ, cho biết các hệ thống thiết giáp, pháo binh và yểm trợ trên không mới được triển khai giúp các lực lượng của nước này trở nên "cơ động, tinh nhuệ và có thể triển khai tác chiến nhanh hơn".
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn thành lập một lữ đoàn không vận mới, cách thung lũng Tawang khoảng 300 km. Đơn vị này được trang bị trực thăng Chinook có thể vận chuyển binh sĩ và lựu pháo M777 qua địa hình đồi núi, cùng một phi đội thiết bị bay không người lái (UAV) được Israel cung cấp, có khả năng theo dõi đường đi nước bước của quân đội đối phương ở khu vực.
Su-35 Nga bất ngờ xuất hiện gần căn cứ Mỹ
Sự xuất hiện của chiếc Su-35 mang số hiệu 07 Red nằm trong đợt triển khai vũ khí mới của Nga đến căn cứ Qamishli. Hình ảnh được công bố cho thấy, Chiếc Su-35 trang bị tên lửa không đối không tầm trung R-77 và tầm ngắn R-73.
Theo kế hoạch, sẽ có ít nhất 4 chiếc Su-35 được Nga triển khai đến Qamishli. Su-35S hiện diện thường xuyên ở Syria kể từ khi Moscow tiến hành cuộc can thiệp vào tháng 9/2015, sau khi chính phủ Syria yêu cầu chính thức.
Trước khi Su-35 chính thức xuất hiện tại Qamishli, Không quân Nga đã triển khai hàng loạt trực thăng, máy bay vận tải, vũ khí tới căn cứ này.
Thổ Nhĩ Kỳ "đòi" Mỹ 100 tiêm kích F-35
Trả lời phỏng vấn CNN, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi Mỹ giải quyết khúc mắc giữa hai nước xung quanh chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 bằng cách hoặc cung cấp 100 chiếc F-35 cho Ankara theo thoả thuận ban đầu hoặc cung cấp sản phẩm quốc phòng khác.
Trong trường hợp Mỹ không muốn cung cấp sản phẩm quốc phòng phù hợp cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ yêu cầu Washington hoàn trả khoản tiền 1,4 tỷ USD mà nước này đầu tư vào dự án F-35.
"Nếu Mỹ không muốn giải quyết vấn đề F-35 hoặc nếu Quốc hội (Mỹ) ngăn khả năng này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét các lựa chọn khác, bao gồm việc mua máy bay chiến đấu Su-35 hoặc Su-57 (do Nga sản xuất)", nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Mộc Miên (T/h)