Tin tức quân sự mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức quân sự mới nhất ngày 28/4 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Tàu ngầm Nga mang tên lửa Kalibr được điều tới Địa Trung Hải
Tàu ngầm Rostov-on-Don và Krasnodar của hải quân Nga. Ảnh: AP |
Ngày 27/4, TASS dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, tàu ngầm diesel-điện Dự án 636.3 của Hạm đội Biển Đen mang tên Rostov-on-Don đã được triển khai ở vùng biển xa và sẽ sớm gia nhập lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải thường trực của Hải quân Nga
"Tàu ngầm Rostov-on-Don đã lên đường triển khai tới Biển Địa Trung Hải, dự kiến nó sẽ đi qua Biển Đen vào tối 27/4", trích nguồn tin.
Nguồn tin không xác định liệu tàu ngầm Rostov-on-Don có thay thế tàu ngầm Krasnodar cùng loại hiện đang được triển khai trong Hải đội Địa Trung Hải hay không.
Tàu ngầm Dự án 636.3 của Hạm đội Biển Đen đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr chống lại phiến quân khủng bố ở Syria trong quá trình triển khai tại Hải đội Địa Trung Hải.
Hơn 500 dân thường Afghanistan thiệt mạng do xung đột
Lực lượng an ninh Afghanistan gác gần hiện trường một vụ tấn công ở Kabul ngày 25/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 27/4 cho biết trên 500 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực ở nước này trong 3 tháng đầu năm 2020, cho dù đã có thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban nhằm mang ổn định và hòa bình tại Afghanistan.
Phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc dẫn báo cáo báo cáo định kỳ hằng quý của Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) cho biết, các cuộc xung đột diễn ra trong 3 tháng đầu năm 2020 tại Afghanistan đã khiến 1.293 dân thường thương vong, trong đó có 152 trẻ em và 60 phụ nữ. Số dân thường thiệt mạng tăng 20% so với 3 tháng đầu năm 2019.
Đáng lo ngại là tình hình bạo lực tại Afghanistan vẫn gia tăng sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hôm 29/2 vừa qua về việc các lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu rút khỏi Afghanistan, đổi lấy việc bảo đảm an ninh từ Taliban. Thỏa thuận bao gồm cam kết của lực lượng Taliban và Chính phủ Afghanistan hướng đến một nền hòa bình tại quốc gia Tây Nam Á này.
Nguyên nhân Mỹ rút hết máy bay ném bom khỏi Guam
Máy bay ném bom B-52 Stratofortress, B-1 Lancer và B-2 Spirit của Mỹ bay trên bầu trời Guam năm 2016. Ảnh: CNN |
Lần đầu tiên trong 16 năm, Không quân Mỹ không duy trì bất cứ máy bay ném bom hạng nặng nào tại đảo Guam.
Người phát ngôn của Trung tâm Chỉ huy Chiến lược Mỹ - Thiếu tá Kate Atanasoff nói: “Mỹ đang chuyển sang phương pháp tạo điều kiện để máy bay ném bom chiến lược chuyển động từ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương sang nhiều địa điểm nước ngoài khác khi cần thiết trong khi những máy bay này vẫn ‘cư trú’ lâu dài tại Mỹ”.
Động thái này phù hợp với Chiến lược Phòng vệ Quốc gia 2018 của Lầu Năm Góc đề nghị lực lượng Mỹ có thể hoạt động “khó đoán trước”.
Về mặt quân sự, động thái này mang nhiều hàm ý. Nhà nghiên cứu quốc phòng tại tập đoàn RAND (Mỹ) Timothy Heath đánh giá: “Việc triển khai dễ đoán và cố định tại Guam khiến các chiến dịch lộ điểm yếu".
Mộc Miên (T/h)