Ông Putin tiết lộ số binh sĩ Nga ở Ukraine
Báo Dân trí đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cho biết hơn 600.000 binh sĩ Nga đang tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ 3.
"Có những vấn đề cần được quan tâm, điều chỉnh và giải quyết bởi vì vùng chiến sự dài gần 2.000km và có hơn 600.000 binh sĩ ở vùng chiến sự", Tổng thống Nga Putin cho biết trong một cuộc họp báo ngày 26/1.
Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2/2022. Đến tháng 9/2022, Tổng thống Putin ban hành lệnh động viên cục bộ nhằm bổ sung khoảng 300.000 quân cho lực lượng vũ trang. Trong cuộc họp báo cuối năm ngoái ông Putin khẳng định Nga chưa có kế hoạch huy động quân lần hai.
Xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 3 nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những năm gần đây, quân đội Nga được tiếp nhận một lượng lớn vũ khí và trang thiết bị mới như một phần trong chương trình hiện đại hóa nhằm nâng cao năng lực quân sự của Moscow.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko mới đây cho biết, quân đội nước này sẽ nhận thêm hơn 36.000 trang thiết bị, 16,5 triệu vũ khí trong năm nay. Theo ông, con số này gấp nhiều lần so với lượng trang bị 2 năm qua.
Thời gian gần đây, Nga thường xuyên đánh thành phố Kharkov - cách biên giới nước này 46km về phía Nam. Ngoài ra, Moskva cũng thực hiện các cuộc tấn công kết hợp nhằm vào Kiev và khu vực Đông Nam sông Dnipro.
Ukraine cho biết, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí, trong đó có hệ thống phòng không S-300 từ sâu trong lãnh thổ nước này để nhắm vào Kharkov, như một phần trong chiến lược khai thác điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của nước này.
Mỹ tính triển khai vũ khí hạt nhân ở Anh
Báo điện từ VTC News đưa tin, ngày 26/1, tờ The Telegraph trích dẫn các tài liệu của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Mỹ dự định đặt đầu đạn hạt nhân tại căn cứ Lakenheath của Không quân Hoàng gia Anh.
Theo thông tin từ The Telegraph, Mỹ dự kiến sẽ bố trí bom trọng lực B61-12, loại bom có sức mạnh gấp ba lần quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, tại căn cứ Lakenheath. Washington đã loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Vương quốc Anh vào năm 2008 sau khi triển khai chúng ở đó trong Chiến tranh Lạnh.
Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng điện Kremlin sẽ coi việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Vương quốc Anh là hành động leo thang căng thẳng.
Dữ liệu của Lầu Năm Góc cho hay, hiện Mỹ sở hữu 5.428 đầu đạn hạt nhân trên ít nhất 652 phương tiện vận chuyển ở Mỹ, trong đó có 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III và 14 tàu ngầm Trident lớp Ohio có khả năng hạt nhân. Số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai hiện nay của Mỹ là 1.350.
Kể từ giữa những năm 1950, vũ khí hạt nhân do Mỹ sở hữu đã được triển khai trên khắp các địa điểm quân sự ở châu Âu. Tổng thống Mỹ khi đó, ông Dwight D. Eisenhower cho phép lưu trữ những loại vũ khí như vậy ở châu Âu trong bối cảnh có những cáo buộc về mối đe dọa bắt nguồn từ Liên Xô.
Theo nguyên tắc chia sẻ hạt nhân của NATO, các đầu đạn hạt nhân được lưu trữ trên khắp châu Âu, tại các căn cứ không quân ở Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bom hạt nhân cũng như tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân đã được Washington triển khai tới các quốc gia đồng minh ở châu Âu. Chúng bao gồm Vương quốc Anh (từ năm 1954) và Hy Lạp. Kể từ năm 2008, Vương quốc Anh đã không lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ. Trong khi Mỹ đã giải phóng đầu đạn hạt nhân cuối cùng trên lãnh thổ Hy Lạp vào năm 2001.
Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington, khoảng 100 vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại 6 căn cứ của liên minh trên lãnh thổ của 5 quốc gia thành viên - Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phương Uyên(T/h)