Mỹ thử nghiệm hạt nhân sau khi Nga hủy phê chuẩn hiệp ước
Hãng Bloomberg dẫn thông tin mới nhất từ Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 18/10 có sử dụng hóa chất và đồng vị phóng xạ để "xác nhận các mô hình dự đoán vụ nổ mới", có thể giúp phát hiện các vụ nổ nguyên tử ở các quốc gia khác.
Bà Corey Hinderstain - Phó Giám đốc phụ trách vấn đề Không phổ biến hạt nhân quốc phòng tại Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ cho biết: "Cuộc thử nghiệm sẽ giúp giảm các mối đe dọa hạt nhân toàn cầu bằng cách cải thiện khả năng phát hiện các vụ thử nghiệm nổ hạt nhân dưới lòng đất".
Cuộc thử nghiệm mà Mỹ vừa tiến hành rất đáng chú ý vì tính thời điểm của nó. Các nhà lập pháp Nga trước đó vừa thông báo ý định hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện. Dự luật về vấn đề này sẽ được chuyển tới Thượng viện Nga để xem xét vào tuần tới. Trước đó, các Thượng nghị sĩ Nga cho biết, họ sẽ ủng hộ dự luật như vậy.
Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện được thông qua vào năm 1996, đã quy định cấm mọi vụ nổ hạt nhân ở bất cứ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ có hiệu lực đầy đủ. Ngoài Mỹ, vẫn còn Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Israel, Iran và Ai Cập chưa phê chuẩn hiệp ước.
Các quan chức Mỹ cho rằng mọi việc cần minh bạch hơn, vì mặc dù Mỹ và Nga không thử nghiệm đầu đạn nhưng hai nước đã tiến hành cái gọi là thử nghiệm cận tới hạn - vốn là các vụ nổ kiểm tra thiết kế vũ khí mà không cần lượng vật liệu nguyên tử cần thiết để duy trì phản ứng dây chuyền.
Tàu chiến Mỹ bắn hạ tên lửa, máy bay không người lái gần Israel
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder nói với các phóng viên rằng vụ đánh chặn diễn ra trên Biển Đỏ hôm 19/10. Ông nói thêm rằng các tên lửa đang hướng về phía bắc, “có khả năng hướng tới các mục tiêu ở Israel” và tàu Mỹ không bị đe dọa.
“Theo chúng tôi biết được, không có thương vong nào cho lực lượng Mỹ hay thường dân trên mặt đất”, ông Ryder nói. Vụ việc xảy ra sau khi máy bay không người lái nhắm vào các địa điểm quân sự có quân nhân Mỹ ở Iraq và Syria.
Theo Lầu Năm Góc, hôm 17/10, các máy bay không người lái đã tấn công các căn cứ không quân Al-Asad và Al-Harir (Bashur), gây thương tích nhẹ cho lực lượng liên minh phương Tây. Hai máy bay không người lái tấn công căn cứ Al-Tanf ở Syria vào ngày hôm sau. Một chiếc UAV bị bắn hạ, trong khi một chiếc khác tấn công căn cứ, khiến quân phương Tây bị thương nhẹ.
Mỹ đã điều động hạm đội hải quân do tàu sân bay USS Gerald R. Ford dẫn đầu tới phía đông Địa Trung Hải sau khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào ngày 7/10. Washington cũng cung cấp thêm đạn dược và các thiết bị khác cho đồng minh lâu năm Israel trong cuộc chiến với Hamas.
Theo Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã chỉ đạo triển khai Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 26 trong khu vực để “cho thấy cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh của Israel và ngăn chặn bất kỳ chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nào tìm cách leo thang chiến tranh”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ yêu cầu quốc hội nước này phê duyệt gói viện trợ quân sự “chưa từng có” cho Israel và Ukraine, đồng thời nhấn mạnh khoản tiền này sẽ là “khoản đầu tư thông minh” đối với Washington.
Theo ông Biden, hỗ trợ quân sự cho các đối tác như Israel và Ukraine là “rất quan trọng” đối với lợi ích an ninh của Mỹ. Ông cảnh báo “sự hỗn loạn có thể lan rộng ở những nơi khác trên thế giới” nếu Washington không hành động chống lại "trật tự thế giới dựa trên luật lệ".
Các nguồn tin của AP cho biết, mặc dù Nhà Trắng chưa tiết lộ chi tiết về yêu cầu gói ngân sách khẩn cấp nhưng dự kiến sẽ rơi vào khoảng 105 tỷ USD, bao gồm 60 tỷ USD cho Ukraine và 14 tỷ USD khác cho Israel.
Phương Uyên(T/h)